Túi mua hàng vỏ tôm thân thiện với sinh thái (10/03/2017)
Gần đây, các kỹ sư sinh học tại Trường Đại học Nottingham đang thử nghiệm cách sử dụng vỏ tôm để sản xuất túi phân hủy sinh học, không chỉ là giải pháp "xanh" để thay thế túi làm từ dầu mỏ, mà còn kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm. Vật liệu vỏ tôm này đang được tối ưu hóa trong các điều kiện ở Ai Cập, nơi hoạt động quản lý chất thải hiệu quả là một trong những thách thức lớn nhất của quốc gia.
TS. Nicola Everitt, trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng: "Việc sử dụng polyme phân hủy sinh học làm từ vỏ tôm để sản xuất túi mua hàng, sẽ làm giảm phát thải cacbon, cũng như giảm khối lượng chất thải thực phẩm và bao bì tích tụ trên các đường phố hoặc tại các bãi chôn lấp chất thải bất hợp pháp. Trong vòng từ 10-15 năm tới, sản phẩm này cũng có thể được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Đây là những ưu tiên cấp quốc gia ở Ai Cập".
Hy vọng trong thời gian tới, kết quả nghiên cứu sẽ tạo ra một loại bao bì thực phẩm thế hệ mới có khả năng kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm với hiệu quả cao và tiêu thụ ít năng lượng, khắc phục tình trạng lãng phí thực phẩm ở nhiều quốc gia. Và nếu thành công, sản phẩm này sẽ được đưa đến với các nhà sản xuất bao bì của Vương quốc Anh. Ngoài ra, nghiên cứu còn đề ra mục tiêu xác định lộ trình sản xuất vật liệu polyme phân hủy sinh học cho túi mua hàng và bao bì thực phẩm.
Ánh Nguyệt