Công nghệ Gen (13/03/2017)
Xây dựng chính sách quốc gia về phát triển công nghệ gen với các định hướng và đầu tư ưu tiên; thúc đẩy chương trình, dự án để tài trợ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng để tranh thủ nguồn lực tài chính và năng lực chuyên gia từ các nước công nghiệp hóa; tăng cường đào tạo năng lực trình độ cao; xây dựng các cơ chế tạo thuận lợi cho sự kết hợp giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ với các trường đại học, viện nghiên cứu để thương mại hóa các sản phẩm công nghệ gen; khuyến khích sáng tạo mô hình doanh nghiệp mới…
Bằng cách phân tích gen, các nhà khoa học tại Trường đại học Texas Southwestern Medical Centre, Dallas, Mỹ có thể đọc được quá trình sống của một người sẽ phải đối mặt với các nguy cơ mắc các bệnh tật gì, tuổi thọ sẽ kéo dài ra sao… thông qua độ dài cấu trúc nằm ở cuối các chuỗi chromosome còn có tên gọi là telomeres. Giới khoa học cho rằng: telomeres là yếu tố chỉ dẫn quan trọng cho biết tuổi thọ của một người có thể kéo dài bao nhiêu. Tuy nhiên, việc dự báo ở đây cũng chỉ mang tính tương đối chứ không thể dự báo chính xác con số ngày tháng năm mà con người đó có thể đạt được. Theo giới chuyên gia, công nghệ phân tích cấu trúc đoạn telomeres sẽ trở nên phổ biến trong vòng 5 - 10 năm tới.
Trong các nỗ lực để hoàn thiện cũng như "sửa chữa" con người, liệu pháp gene là một hướng đi sáng giá. Một trong những nhà di truyền học hàng đầu thế giới, George Church cho rằng, chúng ta đang tới gần hơn lúc nào hết trong công nghệ biến đổi gene. Thử tưởng tượng DNA như các thành phần của một cỗ xe, việc "độ"các đoạn gene "xấu" hoặc gene sang các bản "tốt" hơn sẽ giúp chúng ta khoẻ mạnh hơn và có thể sống thọ hơn, chẳng hạn như tới 200 năm? Dĩ nhiên, chúng ta sẽ không trở thành Superman, nhưng hoàn toàn có thể giống như Batman. Thử nghĩ đến cảnh chúng ta có những cơ bắp cực khoẻ, hoặc cơ thể không còn phát sinh mùi hôi, hoặc đánh lùi những căn bệnh tuổi già như Alzheimer, thậm chí là ung thư. Tuy vậy, tính đến thời điểm này, độ chính xác của CRISPR - một công nghệ biến đổi gene mới được phát triển hiện chỉ đạt 20%. Nó sẽ cần được hoàn thiện nhiều hơn nữa.
Trong nông nghiệp, thực phẩm biến đổi gen trở thành chủ đề gây tranh cãi trên phạm vi toàn cầu. Một bộ phận giới khoa học lo ngại thực phẩm biến đổi gen có thể gây ra một số bất lợi như tăng nguy cơ dị ứng, làm nhờn kháng sinh, gây độc cho cơ thể người. Trên thực tế vẫn có khả năng tồn tại độc tố trong thực phẩm biến đổi gen, bởi vì cây trồng truyền thống và cây trồng chuyển gen chỉ khác nhau về gen quy định tính trạng mong muốn, lượng độc tố tự nhiên (nếu có) tồn tại trong cây trồng truyền thống cũng sẽ có mặt trong cây trồng chuyển gen. Tuy nhiên có một thực tế là trong thực phẩm chúng ta ăn từ xưa đến nay đều tồn tại độc tố ở hàm lượng nhất định, hầu hết ở mức độ an toàn với người sử dụng. Hiện nay, trong những thực phẩm biến đổi gen thì cà chua, ngô, đậu tương là ba trong số những loại cây biến đổi gene được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, giống và cây trồng sinh học không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập, giảm nghèo mà còn giúp cải thiện sức khỏe cho người tiêu dùng. Do đó, để giúp cho ngành nông nghiệp nước nhà phát triển hơn, Việt Nam đang từng bước chú trọng đến ứng dụng công nghệ biến đổi gen cho thực phẩm.
Ánh Nguyệt