Hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia (05/04/2017)
(1) Hệ thống thông tin bị sự cố là hệ thống thông tin cấp độ 4, cấp độ 5 hoặc thuộc Danh mục hệ thống thông tin quan trọng quốc gia và bị một trong số các sự cố sau: Hệ thống bị gián đoạn dịch vụ; dữ liệu tuyệt mật hoặc bí mật nhà nước có khả năng bị tiết lộ; dữ liệu quan trọng của hệ thống không bảo đảm tính toàn vẹn và không có khả năng khôi phục được; hệ thống bị mất quyền điều khiển; sự cố có khả năng xảy ra trên diện rộng hoặc gây ra các ảnh hưởng dây chuyền, làm tổn hại cho các hệ thống thông tin cấp độ 4 hoặc cấp độ 5 khác. (2) Chủ quản hệ thống thông tin không đủ khả năng tự kiểm soát, xử lý được sự cố.
Nhằm ứng phó khẩn cấp các sự cố an toàn thông tin, ngày 16/3/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 05/2017/QĐ-TTg ban hành quy định về hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia. Theo đó, đối tượng áp dụng của quy định này là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động ứng cứu sự cố bảo đảm an toàn thông tin mạng tại Việt Nam.
Phương án ứng cứu bao gồm: Phân nhóm sự cố an toàn thông tin mạng; Hệ thống phương án ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia; Báo cáo sự cố an toàn thông tin mạng; Tiếp nhận, phát hiện, phân loại và xử lý ban đầu sự cố an toàn thông tin mạng; Quy trình ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng thông thường; Quy trình ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng nghiêm trọng.
Trong quá trình triển khai ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia, Cơ quan thường trực có quyền yêu cầu trưng dụng tài sản và đình chỉ phương tiện thông tin phục vụ ứng cứu khẩn cấp sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia theo quy định.
Các cơ quan, đơn vị phải xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố bảo đảm an toàn thông tin mạng để đảm bảo nhân lực, vật lực, tài lực và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng triển khai kịp thời, hiệu quả phương án ứng cứu sự cố bảo đảm an toàn thông tin mạng theo Điều 16 của Quyết định.
Theo Quyết định này, cơ quan thường trực là Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chủ trì thành lập Ban điều phối ứng cứu khẩn cấp bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia, với thành phần gồm: 01 lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông làm Trưởng ban, Cơ quan điều phối quốc gia làm thường trực và thành viên là các lãnh đạo cấp Cục, Vụ của một số bộ ngành, tổ chức có liên quan.
Ánh Nguyệt (tổng hợp từ internet)