Bảo vệ môi trường – Một nội dung cơ bản trong chiến lược phát triển bền vững (08/05/2017)
Nhân loại hiện đang đứng trước sự khủng hoảng về môi trường hay đứng trước thảm họa sinh thái nghiêm trọng: - Mưa axit xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới;
- Lớp ozôn - một tiền đồn phòng ngừa bị tia ngoại ở Nam cực chọc thủng;
- Trái đất có khuynh hướng nóng dần lên, làm cho thời tiết, khí hậu có thể bị đảo lộn. Băng ở hai cực tan dần ra và nước sẽ dồn về hai cực. Loài người sẽ bị chìm trong biển nước.
- Ô nhiễm nước, dân số bùng nổ, nạn thiếu lương thực, nạn đói, nạn suy dinh dưỡng xảy ra trầm trọng. Người dân phải tự hủy hoại nguồn tài nguyên thiên nhiên, khai thác nó để nuôi sống bản thân và gia đình. Do đó, tình hình mất rừng đã đến lúc phải báo động;
- Hiện tượng sa mạc hóa ở nhiều nơi, đất bị xói mòn, nạn mất mùa liên tiếp xảy ra;
- Mâu thuẫn khu vực thường xuyên diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.
Kể từ Hội nghị quốc tế về môi trường do Liên hiệp quốc tổ chức tại Stockholm (Thụy Điển), ngày 5/6/1972, vấn đề bảo vệ môi trường đã trở thành nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược của cả loài người tiến bộ nhằm bảo vệ Trái đất đang có nguy cơ bị suy thoái và hủy hoại trước hành động thiếu ý thức của chính con người. Hoạt động bảo vệ môi trường đã được đẩy mạnh ở nhiều nước và có sự phối hợp trong khuôn khổ của Chương trình môi trường Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, hiểm họa suy thoái môi trường ngày càng tăng do hậu quả của các cuộc chiến tranh, do khai thác, sử dụng tài nguyên một cách bừa bãi và quá mức, do các chất thải công nghiệp và lạm dụng hóa chất trong nông nghiệp làm nhiễm bẩn môi trường nước và không khí. Tình trạng đó tất yếu gây nên sự mất cân bằng hệ sinh thái, tạo ra nhiều thiên tai và những tai biến khác.
Nước ta còn ở trình độ phát triển thấp, dân số lại tăng nhanh và chịu hậu quả lâu dài của nhiều cuộc chiến tranh, tình trạng môi trường đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cần đặc biệt quan tâm. Do chất độc hóa học và khai thác bừa bãi, đến nay, cả nước chỉ còn khoảng 39% diện tích có tán rừng che phủ. Rừng trồng thêm hằng năm không bù kịp rừng bị phá và bị cháy. Tình trạng mất rừng kéo theo sự mất đi lớp đất mặt màu mỡ (do xói mòn), mất nguồn nước dự trử dưới tán rừng, làm cạn kiệt nước về mùa hè và gây lũ lụt trong mùa mưa. Sự khai thác bừa bãi tài nguyên lâm sản, hải sản làm suy giảm nhanh chóng nguồn gien thực vật và động vật vốn đa dạng và phong phú ở nước ta. Tài nguyên khoáng sản cũng bị khai thác và sử dụng chưa hợp lý, gây lãng phí và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Nhiều khu công nghiệp, nhà máy ... chưa quan tâm đúng mức đến việc bảo vệ vệ sinh công nghiệp và xử lý chất thải nhằm giữ gìn sức khỏe của người lao động và chống ô nhiễm môi trường. Tình trạng sử dụng phân tươi hoặc sử dụng quá mức phân hóa học, thuốc trừ sâu... ở nông thôn đã có ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vấn đề cấp bách hiện nay đối với nước ta là thực hiện có hiệu quả những biện pháp tổng thể nhằm giảm nhanh tỷ lệ tăng dân số, quản lý tốt tài nguyên rừng và các dạng tài nguyên khác; mở rộng phong trào trồng cây ở mọi nơi, trước hết là ở các khu vực đầu nguồn, vùng đất trống đồi trọc, vùng rừng ngập mặn. Ngăn chặn sự khai thác quá mức tài nguyên sinh vật ven biển, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng ở vùng cửa sông; nghiên cứu ứng dụng rộng rãi công nghệ tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu và năng lượng, các công nghệ ít hoặc không có chất phế thải.
Từ việc lập quy hoach tổng thể đến việc lựa chọn các phương án cụ thể tối ưu đối với các công trình nhất thiết phải dựa trên kết quả thẩm định về báo cáo đánh giá tác động đến môi trường, dự báo được xu thế phát triển của môi trường theo chiều hướng có lợi, bảo đảm cho sự phát triển lâu bền.
Mọi tổ chức, cá nhân trong sản xuất - kinh doanh và các hoạt động khác có nhiệm vụ thực hiện nghiêm túc các biện pháp vệ sinh môi trường, có đầy đủ thiết bị kỹ thuật xử lý chất thải, bảo đảm đúng tiêu chuẩn môi trường theo quy định.
Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng hợp lý các dạng tài nguyên, áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, tận dụng chất thải, tiết kiệm nguyên liệu, sử dung năng lượng tái sinh, chế phẩm sinh học, không gây ra tác động xấu đối với môi trường.
Xử lý nghiêm việc đốt phá rừng, khai thác khoáng sản một cách bừa bãi, gây hủy hoại môi trường, làm mất cân bằng sinh thái. Nghiêm cấm việc nhập công nghệ, thiết bị không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường cũng như nghiêm cấm nhập khẩu, xuất khẩu chất thải.
Đi đôi với việc tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, cần sớm hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý và pháp luật môi trường.Với Luật Bảo vệ môi trường đã ban hành, không một ai có quyền hành động làm tổn hại đến môi trường sống xung quanh mình. Mỗi chúng ta chỉ có thể đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ môi trường trên cơ sở tự giác và luôn luôn ý thức được rằng: Cuộc sống của chúng ta hôm nay và tương lai của các thế hệ mai sau sẽ phụ thuộc vào chính những hoạt động của chúng ta ngày nay.
Đại hội XI của Đảng, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, đã nêu rõ: "Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược...Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường". Tiêu chí để đánh giá sự phát triển bền vững là sự tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ tốt môi trường; gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; bảo đảm dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội; phát triển toàn diện con người.
Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; là cơ sở quan trọng bảo đảm kinh tế phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Mọi người hãy cùng nhau hành động có hiệu quả việc bảo vệ và cải thiện môi trường sống của chúng ta hôm nay và của muôn đời con cháu mai sau.
Nguyễn Xuyến