Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (06/04/2021)
Với mục tiêu xây dựng ngành lâm nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững rừng và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội; ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến hiện đại.
Phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để lâm nghiệp đóng góp ngày càng quan trọng và phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ môi trường rừng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, giữ vững quốc phòng và an ninh, thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững. Hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Chiên lược đưa ra định hướng theo triển theo lĩnh vực: Quy hoạch lâm nghiệp; quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng; phát triển rừng, sử dụng rừng; phát triển công nghiệp chế biến, thương mại lâm sản.
Định hướng phát triển theo vùng, trong đó, đối với Vùng Đông Nam bộ, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, thành phố, khu công nghiệp, ven biển; rừng đặc dụng: bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; rừng sản xuất gỗ lớn, nông lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ; công nghiệp chế biến lâm sản.
Tăng cường bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học trong các khu rừng đặc dụng như: các vườn quốc gia Bù Gia Mập, Côn Đảo, Cát Tiên, Lò Gò – Sa Mát và các khu bảo tồn thiên nhiên khác. Tăng cường củng cố và bảo vệ hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ các hộ đập và thủy điện như: Trị An, Dầu Tiếng, Thác Mơ… đẩy mạnh xây dựng rừng phòng hộ môi trường cho các khu công nghiệp, các thành phố lớn và phòng hộ ven biển.
Đồng thời, đưa ra các giải pháp thực hiện để đặt mục tiêu đề ra như hoàn thiện, đổi mới hệ thống cơ chế, chính sách; tuyên truyền nâng cao nhận thức; phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và khuyến lâm; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng lâm nghiệp đồng bộ, hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và dịch vụ logistics; tổ chức sản xuất kinh doanh; tổ chức, quản lý ngành và hợp tác quốc tế.
Trần Phước