Bình Dương: Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021 (20/05/2021)
Theo kết quả công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 - PCI năm 2020, Bình Dương xếp vị trí thứ 4 trong cả nước với 70,16/100 điểm (tăng 2,78 điểm so với năm 2019), thuộc nhóm "Rất tốt", tăng 9 bậc so với năm 2019. Bình Dương cũng là địa phương tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2020 khu vực Đông Nam bộ, tiếp theo là TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Phước (kết quả đánh giá dựa trên khảo sát gần 12.300 doanh nghiệp: hơn 10.700 doanh nghiệp tư nhân và 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).
Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2020, Bình Dương có 07 chỉ số tăng điểm gồm: Gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền tỉnh, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; 03 chỉ số giảm điểm gồm: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch, đào tạo lao động. Trong thời gian qua, Bình Dương luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh tiếp tục đạt và vượt so với năm 2019; duy trì chỉ số PCI năm 2020 trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu; đẩy mạnh việc công khai, minh bạch các chính sách, thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử của đơn vị... Mục tiêu không chỉ là việc nâng thứ hạng PCI mà còn để Bình Dương luôn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Bình Dương cũng gặp một số hạn chế khó khăn. Để khắc phục hạn chế và duy trì, duy trì những điểm mạnh vốn có nhằm tiếp tục nâng cao kết quả PCI trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu các ngành, các cấp tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:
1. Tập trung thực hiện tốt các công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, quy hoạch xây dựng cấp huyện đảm bảo chất lượng, bài bản, khoa học và đồng bộ. Chủ động xây dựng phương án phát triển các khu công nghiệp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 để tạo quỹ đất sạch đón làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư và công nghệ trên thế giới và trong khu vực, đồng thời tích hợp vào quy hoạch tỉnh tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xác định nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư minh bạch, thân thiện và cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; giải quyết thủ tục hành chính nhanh, hiệu quả trên các lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, giải quyết các thủ tục về tranh chấp, thi hành án và các thủ tục liên quan đến giải thể, phá sản.
2. Tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư, kết nối hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: cải tạo, mở rộng quốc lộ 13, dự án cải tạo cảnh quan chống ùn tắc giao thông tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, ĐT 743, ĐT 746, ĐT 747B, tuyến Vành đai 3, Vành đai 4. Kiến nghị Trung ương khẩn trương thực hiện dự án đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh đã có trong quy hoạch. Nghiên cứu khẩn trương triển khai các bước phát triển hệ thống giao thông vận tải đường thủy kết nối các khu công nghiệp phía Bắc của tỉnh với các trung tâm logictics, các cảng ICD và cảng biển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
3. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh tuyên truyền cải cách hành chính thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng đội ngũ cán bộ công chức thân thiện, trách nhiệm, tận tụy phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp, nhanh và hiệu quả nhất.
4. Thực hiện Đề án Thành phố thông minh tỉnh Bình Dương gắn với xây dựng Vùng đổi mới sáng tạo nhằm tạo điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư có trình độ khoa học công nghệ cao hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
5. Lãnh đạo tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
6. Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, trong đó tập trung thực hiện các giải pháp được nêu tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch covid-19; chú trọng phát triển hệ thống nhà ở xã hội cho công nhân và chăm lo đời sống nhân dân trên tất cả lĩnh vực về y tế, văn hóa, giáo dục, tạo môi trường sống đầy đủ, thuận tiện và lâu dài cho người dân yên tâm đến sinh sống và làm việc.
Chỉ số PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần, bao quát những lĩnh vực chính của điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố có liên quan tới sự phát triển của doanh nghiệp.
Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) Chi phí không chính thức thấp; 5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; 9) Chính sách đào tạo lao động tốt; và 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và duy trì được an ninh trật tự.
Với lần điều chỉnh phương pháp luận gần nhất vào năm 2017, có 128 chỉ tiêu được sử dụng để xây dựng chỉ số PCI. Chi tiết về các chỉ tiêu sử dụng trong từng chỉ số thành phần, tham khảo mục Dữ liệu.
Mỹ Linh