Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trên địa bàn tỉnh Bình Dương (20/05/2021)
An ninh lương thực quốc gia luôn là vấn đề thiết yếu, cấp bách khi nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng khốc liệt, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. An ninh lương thực quốc gia phải gắn với cơ cấu lại nền kinh tế. Bảo đảm an ninh lương thực cho người dân trong mọi tình huống là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội; không chỉ tập trung vào tính sẵn có, khả năng tiếp cận, mà còn bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm.
Việc giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, nhưng phải bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa, trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế. Gắn an ninh lương thực với an ninh nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ nhằm đa dạng hóa sản phẩm lương thực, thực phẩm bảo đảm cân bằng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm trong khẩu phần ăn của người dân.
Với những quan điểm trên, ngày 10/5/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định 1246/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2021 của Bộ Chính trị về Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Với mục tiêu Sử dụng linh hoạt quỹ đất lúa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa, giữ ổn định diện tích đất chuyên trồng lúa là 938,9 ha. Bố trí khoảng 1.510 ha đất chuyên trồng rau, kết hợp với khoảng 1.560 ha rau màu luân canh để hàng năm có khoảng 6.500 ha diện tích gieo trồng rau các loại, cung cấp trên 100 nghìn tấn rau các loại; cây ăn quả với diện tích trên 10.000 ha; sản lượng thịt hơi các loại trên 200 nghìn tấn; trứng gia cầm khoảng 300 triệu quả; sữa tươi trên 20 nghìn tấn,… Đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận.
Thu nhập của người dân nông thôn cao hơn 02 lần năm 2020. Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, hệ thống lưu thông, phân phối để tăng cơ hội tiếp cận lương thực cho người dân... Bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng với khẩu phần ăn cân đối, giảm tỷ trọng sử dụng gạo, tăng sử dụng thịt, sữa, trứng, cá, rau, quả các loại góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân, đặc biệt là trẻ em tuổi học đường. Nâng cao mức tiêu thụ calo lên trên 2.500 Kcal/người/ngày; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 05 tuổi thể thấp còi còn dưới 19% và thể nhẹ cân còn dưới 10,5%; tỷ lệ béo phì của trẻ em dưới 5 tuổi ở nông thôn dưới 5% và thành thị dưới 10%. Kế hoạch hành động đã đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
- Đẩy mạnh phát triển, cơ cấu lại sản xuất lương thực gắn với thị trường trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi.
- Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất lương thực: tiếp tục đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, đê điều phòng chống thiên tai hiện đại, đồng bộ; bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn công trình, bảo đảm tưới tiêu chủ động cho đất chuyên trồng lúa và tăng diện tích tưới cho cây trồng cạn. Phát triển thủy lợi đa mục tiêu.
- Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến lương thực
- Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành nông nghiệp đáp ứng yêu cầu cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, thông minh, hữu cơ; Tiếp tục đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo hướng phục vụ cơ cấu lại ngành và xây dựng nông thôn mới.
- Đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất lương thực
- Đổi mới cơ chế chính sách bảo đảm an ninh lương thực quốc gia
- Phát triển hệ thống lưu thông, tăng khả năng tiếp cận lương thực, thực phẩm cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi
- Phát triển hệ thống thông tin, truyền thông về an ninh lương thực quốc gia
- Nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh lương thực: hỗ trợ trong việc tháo gỡ rào cản kỹ thuật trên cơ sở quản lý hiệu quả sản xuất và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nhằm đẩy mạnh thị trường xuất khẩu lương thực, nhất là các thị trường Việt Nam đã ký kết, tham gia các FTAs, trong đó có các FTAs thế hệ mới và chất lượng cao như CPTPP, EVFTA, RCEP,…
Trong Kế hoạch hành động, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành triển khai thực hiện các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ của mình về những vấn đề liên quan đến bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Ánh Nguyệt