Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025 (27/06/2021)
Với quan điểm phát triển Chính phủ số có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế xã hội.
Phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt để cơ bàn hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025.
Định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội, ngày 15/6/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030.
Theo Chiến lược, mục tiêu đến năm 2025 có 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp ở mức độ 4; 100% người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt từ trung ương đến địa phương; tối thiểu 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến và người dân chỉ nhập liệu 1 lần; tối thiểu 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính; tối thiểu 20% thủ tục hành chính được cắt giảm so với hiện nay.
Việc huy động rộng rãi sự tham gia của toàn xã hội đặt ra mục tiêu 100% cơ quan nhà nước cấp bộ, tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; tối thiểu 50% dịch vụ công mới của cơ quan nhà nước có sự tham gia cung cấp của doanh nghiệp hoặc tổ chức nước ngoài; 100% cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khả năng tương tác thuận tiện nhất.
Vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước đạt 100% cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ 24/7, sẵn sàng phục vụ trực tuyến bất cứ khi nào người dân và doanh nghiệp cần. 100% công chức được gắn định danh số trong xử lý công việc; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng; 100% công tác báo cáo được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; 100% hồ sơ được tạo, lưu giữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định; 100% cơ quan nhà nước cấp bộ tỉnh, có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; tối thiểu 50% hoạt động giám sát, kiểm tra của cơ quan nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý…
Trong giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế xã hội: Mỗi ngươig dân có danh tính số kèm theo QR code, tiến tới đều có điện thoại thông minh; mỗi người dân đều có hồ sơ số sức khỏe cá nhân; mỗi học sinh, sinh viên đều có hồ sơ số về việc học tập cá nhân; mỗi người dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào khu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng; mỗi người dân ở độ tuổi lao động đều có khả năng tiếp cận với cơ hội việc làm; mỗi tuyến giao thông đường bộ cao tốc đều được triển khai lắp đặt hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh; mỗi hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh được quản lý từ khâu đầu đến khâu cuối sử dụng nền tảng công nghệ số; mỗi cá nhân, hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp có thể dễ dàng gửi nhận hóa đơn điện tử với nhau và với cơ quan thuế sử dụng nền tảng công nghệ số…
Đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tổng thể; thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tham gia điện tử và thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số dữ liệu mở.
Gấm Lê