Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Dương (04/08/2021)
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Quyết định số 645/QĐ-TTg, ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; theo đó, các giải pháp hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử để các doanh nghiệp có khả năng chống chọi với dịch bệnh Covid - 19 đang là nhóm giải pháp được ưu tiên triển khai từ quý IV/2020.
Một số chính sách liên quan TMĐT
Ngoài một số Luật được ban hành liên quan như: Luật Thương mại, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật An ninh mạng, Luật Doanh nghiệp… còn có một số Nghị định liên quan trực tiếp đến lĩnh vực thương mại điện tử như:
Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 đã thay thế Nghị định số 57/2006/NĐ-CP, ngày 09/6/2006 của Chính phủ về thương mại điện tử.
Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.
Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Khoản 3 Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP đã quy định về trường hợp khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp đối với nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (nhà cung cấp ở nước ngoài) trong trường hợp nhà cũng cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế.
Ngày 26/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thay thế Nghị định số 185/2013/NĐ-CP và Nghị định số 124/2015/NĐ-CP. Mục 10 (từ Điều 62 đến Điều 66) quy định về hành vi vi phạm về thương mại điện tử. Mức xử phạt thấp nhất là 1.000.000 đồng và cao nhất là 40.000.000 đồng đối với cá nhân, mức xử phạt gấp hai lần đối với tổ chức vi phạm.
Ngày 26/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Mục 2 Chương II Nghị định trên đã có các quy định về danh mục các ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài, đối tượng áp dụng và điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Ngày 09/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 316/QĐ-TTg phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).
Tình hình phát triển TMĐT ở Bình Dương
Theo Kế hoạch 2345/KH-UBND ngày 15/7/2021 của Ủy Ban nhân dân tỉnh Bình Dương về phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Bình Dương cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2020, Bình Dương đã triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại - dịch vụ như: hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mạnh dạn tham gia vào thị trường bán lẻ trực tuyến (B2C); thúc đẩy hoạt động giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B); tổ chức các buổi hội thảo tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về Thương mại điện tử; tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn kỹ năng trong công tác quản lý và ứng dựng TMĐT trong hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch ứng dụng TMĐT; nâng cao kiến thức và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT cho các cơ quan ban ngành trong tỉnh; tích cực thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia…
Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã và đang tác động làm thay đổi các phương thức kinh doanh và tiêu dùng truyền thống. Nhiều doanh nghiệp đã nhận thức đúng về vai trò và hiệu quả của thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh. Làn sóng đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực để khai thác tốt nền tảng trực tuyến trong công tác quản lý điều hành và kết nối bán hàng trực tuyến đang được các doanh nghiệp tích cực đầu tư, xây dựng Sự tích cực, chủ động của cộng đồng doanh nghiệp đã và đang góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu, định hướng phát triển thương mại điện tử của Bình Dương trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo của tỉnh Bình Dương.
Theo Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử (EBI) 2021 do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tiến hành khảo sát đánh giá nhanh mức độ ứng dụng thương mại điện tử và so sánh sự tiến bộ giữa các năm theo từng địa phương. Năm 2021, tỉnh Bình Dương đạt 14,86 điểm đứng thứ 04/63 tỉnh, thành phố của cả nước về phát triển thương mại điện tử (tăng một bậc so với năm 2020). Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Bình Dương giữ vững vị trí trong nhóm 05 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về phát triển thương mại điện tử. Trong đó, một số chỉ số phát triển nổi bật như: Chỉ số nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin: đạt 20,31 điểm, xếp thứ 04 cả nước; Chỉ số về giao dịch của doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C): đạt 11,86 điểm, xếp thứ 03 cả nước; Chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B): đạt 14,9 điểm, xếp thứ 03 cả nước.
Ngoài ra, Bình Dương đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử và Chương trình chuyển đổi số của quốc gia. Khung kiến trúc chính quyền điện tử và các phần mềm tác nghiệp được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện và đưa vào vận hành thông suốt từ cấp tỉnh đến cấp xã.
Kết quả đến nay Bình Dương đã triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến toàn tỉnh được vận hành ổn định, đặc biệt là trong mùa dịch bệnh Covid-19, hội nghị trực tuyến đã góp phần trong công việc chỉ đạo điều hành, hội họp được xuyên suốt; Ứng dụng Chữ ký số chuyên dùng được tích hợp vào Hệ thống quản lý văn bản.
Đến nay, Bình Dương đã cấp và tập huấn sử dụng 1.155 chữ ký số chuyên dùng cá nhân dành cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại các các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng an toàn thông tin, đảm bảo điều kiện kỹ thuật cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp; các phần mềm dùng chung để đảm bảo đáp ứng theo yêu cầu của Chính phủ; triển khai liên thông tích hợp với Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, Cổng Dịch vụ công Quốc gia, xây dựng phân hệ ứng dụng dành riêng cho thiết bị di động và cung cấp các tiện ích thực hiện các nghiệp vụ xử lý hồ sơ, phản hồi trạng thái qua tin nhắn, các ứng dụng OTP (Zalo…); Hệ thống thư điện tử công vụ tỉnh (@binhduong.gov.vn): 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% CBCC-VC cấp tỉnh, cấp huyện, 100% CBCC-VC cấp xã được cấp tài khoản thư điện tử công vụ tỉnh để thực hiện trao đổi công việc, gửi nhận văn bản điện tử để trao đổi công việc.
Dịch vụ thanh toán điện, viễn thông đến nay đã đạt 100% thanh toán không dùng tiền mặt (viết tắt là TTKDTM); dịch vụ thanh toán trực tuyến nước (chưa bắt buộc thanh toán hoàn toàn trực tuyến) đạt 70%. Cơ sở Hạ tầng viễn thông đã được đầu tư nâng cấp đường truyền internet đạt tốc độ nhanh đảm bảo cung cấp dịch vụ viễn thông và internet chất lượng tốt với nhiều loại hình phong phú và đa dạng phục vụ khách hàng và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi phát triển ứng dụng TMĐT cho địa phương.
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử: Thực hiện theo Kế hoạch số 304/KH-UBND ngày 25/11/2017 của UBND tỉnh về việc phát triển thương mại điện tử tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017 - 2020, Bình Dương triển khai hiệu quả các giải pháp, hoạt động hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng TMĐT trong sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Trong đó, trọng tâm là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về TMĐT; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực về TMĐT; Hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn ứng dụng TMĐT; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ứng dụng công nghệ, dịch vụ thương mại điện tử cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, sàn TMĐT Bình Dương đã được triển khai xây dựng, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2022.
Định hướng giai đoạn tới
Phấn đấu doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh; Trong đó, tốc độ tăng trưởng hằng năm ổn định ở mức tăng từ 15% - 20%/ năm; tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến đạt 35%. Trong giai đoạn tới, Bình Dương triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, khung pháp lý, chính sách về thương mại điện tử so với các cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới (CPTPP, EVFTA) trong lĩnh vực thương mại điện tử và dịch chuyển dữ liệu, bảo vệ người tiêu dùng sau bán hàng....
Phát triển nguồn nhân lực phục vụ TMĐT; Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, tăng cường công tác đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT, giải pháp xây dựng hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh việc kinh doanh sản phẩm thông qua thương mại điện tử không đảm bảo các quy định (về chất lượng sản phẩm, về bản quyền, về các cam kết khác trong giao dịch...).
Tăng cường hợp tác giữa các địa phương và các tổ chức xã hội nghề nghiệp (hội, hiệp hội) trong quản lý và phát triển thương mại điện tử. Tổ chức các đoàn khảo sát, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các khu vực, quốc gia, tỉnh, thành phố có thị trường TMĐT phát triển, đẩy mạnh cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính công.
Xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong thương mại điện tử, tuyên truyền, đào tạo kỹ năng, tổ chức các sự kiện thương mại điện tử thường niên, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ trực tuyến, tổ chức các sự kiện, chương trình khuyến khích kích cầu tiêu dùng qua thương mại điện tử.
Tăng cường năng lực các hệ thống hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử, xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả Sàn giao dịch TMĐT tỉnh Bình Dương, đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các giải pháp tích hợp thanh toán trong giao dịch thương mại điện tử và dịch vụ công, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Xây dựng chương trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại các địa phương, kết nối sàn giao dịch tỉnh Bình Dương với Cổng TMĐT Quốc gia, sàn giao dịch TMĐT các tỉnh, thành trong cả nước; Thiết lập mô hình trung tâm trực tuyến kết nối để hỗ trợ phân phối sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ sản xuất nông thôn trên môi trường TMĐT.
Gấm Lê