Phát triển nguồn lực cho ICT trong Cách mạng công nghiệp 4.0 (30/08/2021)
Trong 30 năm qua, nước ta đã đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng, tăng trưởng được duy trì ở mức cao, bình quân 7% kể từ năm 1988 đã dẫn tới thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp năm lần, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập trung bình chỉ trong một thế hệ. Nhờ mở của thương mại và đầu tư, Việt Nam đã thu hút được một lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tạo ra nhiều việc làm trong phân khúc thâm dụng lao động theo định hướng xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu (GVC). Ngày nay, Việt Nam là nhà xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai trên thế giới, sản xuất hơn 40% sản phẩm điện thoại của Samsung trên toàn cầu - thể hiện rõ thành công của chiến lược tăng trưởng của Việt Nam (World Bank Group).
Hiện nay, nước ta đang bước vào giai đoạn mới trong chuyển đổi kinh tế với những thách thức chưa từng có tiền lệ trên thế giới và trong nước. Nền kinh tế chuyển sang số hóa, chúng ta thấy rất nhiều thay đổi theo hướng cơ hội và thách thức đan xen. Hơn lúc nào hết, nguồn nhân lực nói chung, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực ICT ngày càng có vai trò quan trọng nhưng cũng có thách thức rất lớn
Cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện
Trong những năm qua, hệ thống văn bản pháp luật về phát triển nguồn nhân lực đã được ban hành tương đối đầy đủ và ngày càng được hoàn thiện. Ngoài các văn bản luật, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật; nhiều cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực cũng được ban hàng. Hệ thống văn bản này đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tạo động lực cho việc thúc đẩy phát triển cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng.
Thông tư số 166/2015/TT-BTC, ngày 5/11/2015 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Dự án đào tạo ngắn hạn về an toàn, an ninh thông tin trong nước thuộc Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020.
Theo Thông tư số 05/2019/TT-BKHĐT ngày 29/3/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ tối thiểu 50% chi phí tổ chức một khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh; hỗ trợ 100% học phí đối với học viên của doanh nghiệp vừa và nhỏ có trụ sở tại địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, do phụ nữ làm chủ khi tham gia khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh và quản trị kinh doanh chuyên sâu.
Trong Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025" tại Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 06/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu tổ chức đào tạo ngắn hạn về kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật an toàn thông tin cho 3.000 lượt là cán bộ kỹ thuật chuyên trách hoặc kiêm nhiệm; 1.000 lượt là đội ngũ lãnh đạo, quản lý, 6.000 lượt là công chức, viên chức và người lao động có sử dụng thiết bị công nghệ thông tin; lựa chọn và tổ chức đào tạo 200 chuyên gia an toàn thông tin để bảo vệ các hệ thống thông tin của Đảng và Nhà nước; đưa 150 giảng viên, nghiên cứu viên đi đào tạo, bồi dưỡng cập nhật về an toàn thông tin ở nước ngoài, trong đó có tối thiểu 70 tiến sĩ; đào tạo 5.000 thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân an toàn thông tin.
Quyết định số 579/QĐ-TTg ngày 19/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 đặt ra mục tiêu phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020 là đưa nhân lực Việt Nam trở thành nền tảng và lợi thế quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội, nâng trình độ năng lực cạnh tranh của nhân lực nước ta lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, trong đó một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới.
Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020, đặt mục tiêu phát triển đồng bộ đội ngũ nhân lực với chất lượng ngày càng cao, đủ mạnh ở mọi lĩnh vực, đồng thời tập trung ưu tiên những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh. Đến năm 2015, tổng số nhân lực ngành công nghệ thông tin khoảng 556 nghìn người, năm 2020 là 758 người và hầu hết đều qua đào tạo, trong đó trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 65,0% năm 2015 và trên 70,0% năm 2020. Thời kỳ đến năm 2015, số nhân lực cần phải đào tạo bồi dưỡng chiếm khoảng 20,0 - 25,0% trong tổng số nhân lực của ngành đã qua đào tạo, tương tự đến năm 2020, số nhân lực cần đào tạo bồi dưỡng khoảng từ 10,0 - 20,0%.
Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư" nhằm xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực; góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam.
Giải pháp phát triển
Trong những năm qua, chúng ta đã và đang chứng kiến trên thế giới diễn ra các cuộc khủng khoảng kinh kế, chiến tranh, khủng bố, dịch bệnh lan truyền, tội phạm hoành hành cũng như sự tăng trưởng dân số, thay đổi khí hậu, tiến bộ công nghệ… đưa nhân loại đứng trước những thách thức mới. Do đó, người ta cho rằng tương lai ICT sẽ phát triển nhanh chóng để điều khiển một thế giới phức tạp và liên thông tương tác với nhau. Thực tế là vậy, tổng hợp sứ mạnh của ICT với sự hiểu biết sâu sắc các khoa học phức hợp và xã hội để tìm ra lời giải bền vững và giảm thiểu được những cú sốc xã hội về kinh tế và môi trường.
Hoạch định chính sách về cơ cấu lao động, phát triển nguồn nhân lực ICT sao cho phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng, phát triển và làm chủ công nghệ mới.
Cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều cơ hội việc làm cũng được tạo ra. Tuy nhiên, người lao động phải không ngừng trau dồi kỹ năng, nâng cao trình độ, tri thức mới đáp ứng được trong điều kiện mới. Điều đó, không chỉ là áp lực đối với bản thân người trực tiếp thực hiện công việc này mà còn ảnh hưởng đến quá trình đào tạo của các cơ sở giáo dục. Hiện cả nước có 235 trường đại học, trong đó có 153 trường đào tạo công nghệ thông tin, hàng năm có khoảng 50.000 sinh viên công nghệ thông tin ra trường. Tuy nhiên, số lượng chưa thể đáp ứng đủ so với nhu cầu phát triển doanh nghiệp công nghệ thông tin. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực ICT đòi hỏi các trường, cơ sở giáo dục cần phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng hoặc gắn với thực tế tại doanh nghiệp với lý thuyết, hoặc xây dựng trung tâm thực hành gắn doanh nghiệp với học viên người lao động.
Các trường, cơ sở giáo dục đào tạo về công nghệ thông tin cần phải thay đổi tư duy, cách thức giảng dạy, tăng cường kết nối, tích hợp và chia sẻ kiến thức về khoa học, công nghệ, toán học… giúp người học có điều điện thích nghi với công việc và đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải liên tục đào tạo lao động, vì đây được xem là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, đo đó doanh nghiệp phải xem đào tạo người lao động như một khoản đầu tư. Chi phí đào tạo cho lao động được dao động ở mức 5%-10% chi phí lương là con số hợp lý.
Ngoài ra, để góp phần phát triển nguồn nhân lực ICT, vai trò của người lao động cũng không thể thiếu. Để đáp ứng được nhu cầu trong tình hình mới, người lao động cũng phải không ngừng tư duy, tích cực, năng động, sáng tạo và không ngừng học tập kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, kỹ năng mềm, xử lý tình huống, ngoại ngữ…
Để đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường về ICT, góp phần hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường, Nhà nước sẽ quan tâm và tạo điều kiện để thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp giữa ICT và cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ sở đào tạo cần gắn kết đào tạo chặt chẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.
Trần Phước