Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030 (26/09/2021)
Mục tiêu phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao phục vụ phát triển kinh tế công nghiệp; nâng cao tiềm lực, hiệu quả nghiên cứu, làm chủ công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến từ các nguyên liệu chủ lực của Việt Nam; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ công nghệ sinh học hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp chế biến ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ sinh học trong ngành công thương, tạo điều kiện thuận lợi phát triển doanh nghiệp công nghệ sinh học và sản xuất sản phẩm mới, an toàn, cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Vào ngày 22/9/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1600/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2030 sẽ làm chủ được một số công nghệ sinh học thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô công nghiệp ứng dụng thực tiễn sản xuất; tiếp tục tổ chức đào tạo nguồn nhân lực đủ trình độ làm chủ công nghệ, tiếp nhận, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ tiên tiến ở quy mô công nghiệp đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế; cung cấp các giải pháp chính sách, kỹ thuật sản xuất tiên tiến mang tầm quốc tế trong nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm, mẫu mã công nghiệp, sản xuất và kinh doanh, hình thành hệ thống các doanh nghiệp công nghiệp sinh học theo chuỗi giá trị, bền vững, tuần hoàn, thân thiện với môi trường tiếp cận nền tảng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến tiếp cận nền tảng công nghệ hiện đại thế giới, có khả năng ứng dụng sản xuất quy mô công nghiệp, thúc đẩy ngành công nghiệp sinh học ngành Công Thương phát triển mạnh mẽ. Hình thành và phát triển số lượng doanh nghiệp công nghiệp sinh học ngành Công Thương tăng thêm tối thiểu 50% so với giai đoạn 2021 - 2025.
Đề án có 5 nhiệm vụ trọng tâm: Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp sinh học ngành Công Thương; xây dựng, phát triển tiềm lực công nghiệp sinh học ngành Công Thương; xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp sinh học ngành Công Thương và xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về công nghiệp sinh học ngành Công Thương.
Cùng với 5 nhiệm vụ trọng tâm, Đề án xây dựng 5 nhóm giải pháp chủ yếu: Giải pháp về phát triển khoa học và công nghệ công nghiệp sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến; giải pháp về phát triển tiềm lực; giải pháp về chính sách và phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương; giải pháp về hợp tác quốc tế; giải pháp về xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin, truyền thông.
Trần Phước