Bình Dương: 10 năm xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế (26/09/2021)
Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Nhờ đó, nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân có chuyển biến tích cực, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân, hướng hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
Trong Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Bộ Chính trị đã đưa ra mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, liên kết chặt chẽ, tham gia tích cực vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và toàn cầu; không ngừng phát triển, phấn đấu đến năm 2020 có một số doanh nhân, doanh nghiệp có thương hiệu đạt tầm cỡ khu vực Đông - Nam Á là mục tiêu của (Nghị quyết số 09-NQ/TW).
Ở giai đoạn này, Bình Dương luôn đạt mức tăng trưởng kinh tế khá cao so với vùng và cả nước. Với nhiều chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, Bình Dương đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước. Toàn tỉnh hiện có 52.117 doanh nghiệp (tăng 39.419 doanh nghiệp so năm 2012) với số vốn đăng ký 495.793 tỷ đồng; trong đó, có gần 4.000 doanh nghiệp FDI với số vốn đăng ký 36,5 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài; doanh nghiệp đăng ký kinh doanh có quy mô vừa và nhỏ chiếm khoảng 90%. Mặc dù vậy, tổng số doanh nhân đang tham gia trong các hiệp hội, ngành hàng và các hội doanh nhân trẻ hiện nay còn khá khiêm tốn, vai trò làm đại diện các tổ chức hiệp hội chưa được thể hiện rõ nét và chưa ngang tầm với sự phát triển của tỉnh hiện nay.
Nhìn chung, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn Tỉnh đã và đang góp phần to lớn trong việc đầu tư phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện tốt các quy định của Luật Doanh nghiệp, Bộ Luật lao động,... tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
Để đạt được kết quả như trên, Bình Dương đã thực hiện chủ trương đưa Nghị quyết vào cuộc sống, trong công tác triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TW, tỉnh đã thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Qua triển khai hầu hết cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và cán bộ chủ chốt các cấp đã xác định được mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết số 09-NQ/TW, xác định doanh nghiệp, doanh nhân là đội ngũ quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn đối với kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.
Để tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, Bình Dương đã ban hành nhiều văn bản: Quyết định số 03/2011/QĐ-UBND ngày 27/01/2011 của UBND tỉnh Bình Dương quy định về “Tiêu chí phân hạng các doanh nghiệp và xây dựng sách Xanh tỉnh Bình Dương”; Kế hoạch số 3348/KH-UBND, ngày 09/11/2011 của UBND tỉnh Bình Dương về việc “Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015”; Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 14/5/2013 của UBND tỉnh Bình Dương về việc ban hành “Quy định về giải thưởng môi trường cho các nhân, tổ chức, cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bình Dương”; Kế hoạch số 5018/KH-UBND ngày 06/11/2017 của UBND tỉnh Bình Dương tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Doanh nghiệp Bình Dương hội nhập và phát triển” giai đoạn 2017-2020; Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 24/5/2021 của UBND tỉnh Bình Dương về việc “Khuyến khích thành lập Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp”…
Nhiều văn bản tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng được địa phương được ban hành trong giai đoạn này: Quyết định số 2513/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 của UBND tỉnh Bình Dương về thực hiện Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 2943/QĐ-UBND ngày 25/10/2017 của UBND tỉnh Bình Dương về triển khai thực hiện dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020”; Chỉ thị số 15/CT-UBND, ngày 07/8/2018 của UBND tỉnh Bình Dương về triển khai thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương”;
Nghị quyết số 18/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Bình Dương về ban hành “Quy định chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025”; Nghị quyết số 49/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Bình Dương về ban hành Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025”; Quyết định số 826/QĐ-UBND, ngày 27/3/2020 của HĐND tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025”; Kế hoạch số 248/KH-UBND, ngày 19/01/2021 của UBND tỉnh Bình Dương về “Triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Dương”…
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, các Luật và các quy định của pháp luật có liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp, tỉnh thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm tính minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi những biểu hiện gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nhân và chủ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Từ đó, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh bình đẳng và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân phát triển; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nhân trong quá trình xây dựng tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất kinh doanh với bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Qua Báo cáo tổng kết 10 thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Tỉnh ủy Bình Dương, kết quả cho thấy, tình hình kinh tế thế giới và trong nước trong những năm qua tiếp tục gặp nhiều khó khăn, gần đây là đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, nhưng với sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các cấp, bộ, ngành Trung ương và địa phương nên tình hình phát triển doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân của Tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực; số lượng doanh nghiệp ngưng hoạt động và giải thể có xu hướng giảm; số doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp hoạt động trở lại, tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động sau đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp kinh doanh có lãi tăng lên và từng bước ổn định; hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động được nâng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là những doanh nghiệp, doanh nhân ngoài nhà nước thực hiện tốt; cơ chế, chính sách, chủ trương đã được ban hành tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc tổ chức tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội và triển khai tốt các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu sản phẩm, định hướng giúp doanh nghiệp, nâng cao khả năng tiếp cận thị trường; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho doanh nghiệp, doanh nhân trong hội nhập; xây dựng đạo đức, văn hóa kinh doanh, nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nhân, vai trò của hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với Đảng, chính quyền.
Công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các doanh nghiệp ngày càng tăng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển bình đẳng, đúng quy định của pháp luật; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, công khai minh bạch; các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp được tháo gỡ kịp thời và tăng dần qua từng năm. Đội ngũ doanh nhân từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp được nâng cao. Phần lớn đội ngũ doanh nhân đều có ý thức chấp hành, thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tích cực thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước. Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, hoạt động vì cộng đồng.
Gấm Lê