Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (31/05/2017)
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ và số hóa sẽ cách mạng hóa tất cả mọi thứ. Quy mô và phạm vi của sự thay đổi giải thích tại sao sự đột phá và sự đổi mới trở nên rất cấp thiết. Tốc độ đổi mới về mặt phát triển và sự khuếch tán nhanh hơn bao giờ hết. Những đột phá của hiện tại như Airbnb, Uber, Alibaba và rất nhiều cái tên tương tự gần như chưa được biết đến chỉ cách đây vài năm.
IPhone lần đầu tiên được tung ra vào năm 2007. Tuy nhiên, đã có đến 2 tỷ điện thoại thông minh trên toàn thế giới vào cuối năm 2015. Trong năm 2010, Google công bố chiếc xe tự lái hoàn toàn đầu tiên và những phương tiện này có thể trở nên phổ biến rộng rãi trên đường một thời gian nữa. Hiện chi phí cận biên của các doanh nghiệp kỹ thuật số có xu hướng về không nên một đơn vị của sự giàu có được tạo ra ngày hôm nay với số lượng công nhân ít hơn so với cách đây 10 hoặc 15 năm.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ mang lại rất nhiều lợi ích và đi đôi với đó chính là những thách thức khổng lồ. Điều được quan tâm đặc biệt là sự bất bình đẳng trở nên trầm trọng hơn. Những thách thức do bất bình đẳng gia tăng đang rất khó định lượng vì phần lớn trong chúng ta là người tiêu dùng và người sản xuất nên sự đổi mới và đột phá sẽ có cả ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến mức sống và phúc lợi của chúng ta.
Đối với tác động về kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động mạnh mẽ đến sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức - "thông minh." Các thành tựu mới của khoa học - công nghệ được ứng dụng để tối ưu hóa quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản lý, quản trị...
Tác động đối với chính phủ, sở hữu sức mạnh về công nghệ để lãnh đạo. Tuy nhiên, Chính phủ cũng phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách thức tiếp cận hiện nay của họ đối với sự tham gia của công chúng và quy trình đưa ra quyết định khi vai trò trung tâm của họ trong việc thực thi chính sách bị suy giảm trước sự xuất hiện của các nguồn cạnh tranh mới, sự phân phối lại và phân bổ quyền lực dưới sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ.
Tác động đối với xã hội và người dân, làm thay đổi bản sắc của con người và tất cả những vấn đề liên quan tới bản sắc đó, bao gồm: Sự riêng tư, phương thức tiêu dùng, thời gian dành cho công việc, giải trí và cách thức phát triển sự nghiệp, trau dồi kỹ năng, gặp gỡ mọi người và củng cố các mối quan hệ….
Tác động đối với thị trường lao động, khi tự động hóa thay thế cho người lao động trong toàn bộ nền kinh tế có thể làm trầm trọng thêm sự chênh lệch giữa lợi nhuận so với vốn đầu tư và lợi nhuận so với sức lao động. Việc làm sẽ tăng lên trong các công việc nhận thức và sáng tạo có thu nhập cao và những nghề thủ công có thu nhập thấp, nhưng sẽ giảm đáng kể đối với các công việc thường xuyên có thu nhập trung bình và lặp đi lặp lại.
Tác động đối với giáo dục, đặt ra những yêu cầu mới về kỹ năng của người lao động như: Tư duy phản biện, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tự phê bình; khả năng sáng tạo tri thức, kỹ năng ngôn ngữ, kỹ năng về cuộc sống, kỹ năng số, kỹ năng giao tiếp ứng xử và tạo lập quan hệ, ứng xử…
Về mặt môi trường, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động tích cực trong ngắn hạn và hết sức tích cực trong trung hạn và dài hạn nhờ các ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và các công nghệ giám sát môi trường đang phát triển nhanh được hỗ trợ bởi Internet kết nối vạn vật, giúp thu thập và xử lý thông tin liên tục theo thời gian thực cũng như đưa ra cảnh báo sớm về các thảm họa thiên nhiên.
Trần Phước