Tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường và hệ sinh thái (12/10/2021)
Theo dự báo, cùng với nguy cơ diễn biến lượng mưa tăng - giảm bất thường, việc chia cắt dòng chảy các sông suối lớn, nhiệt độ trung bình năm tăng lên, làm tăng lượng nước bốc hơi, gia tăng hạn hán, triều cường do mực nước biển dâng... thì khả năng khai thác và sử dụng, chất lượng và trữ lượng nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ chịu các tác động xấu nghiêm trọng do biến đổi khí hậu (BĐKH) và nước biển dâng, nhất là vào mùa khô.
Tác động của biến đổi khí hậu
Vào mùa khô, khi mà ở tỉnh Bình Dương gần như không có mưa, nền nhiệt độ cao, lưu lượng dòng chảy ở thượng nguồn giảm khiến cho mực nước trên các sông, hồ tại trên địa bàn tỉnh xuống thấp, bốc hơi nhanh. Từ những yếu tố trên dẫn đến khô hạn, nhiều đoạn suối bị khô nước và không đủ nguồn nước ngọt để tưới tiêu, không đủ để giúp hệ sinh thái trên các sông hồ có thể phát triển tốt vào mùa khô, môi trường bị tác động nghiêm trọng.
Hiện tượng nước biển dâng còn kéo theo nhiều hiện tượng khác như: sự ra vào thường xuyên của triều sẽ làm gia tăng xâm nhập mặn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hệ sinh thái (HST) tiêu biểu là rừng phòng hộ chống sạt lở ven sông, cây ăn trái, lúa nước; các HST bị ảnh hưởng nhiều là Rừng phòng hộ tự nhiên, Rừng trồng phòng hộ, HST Nuôi trồng thủy sản ở các khu vực phía Nam. Vào mùa khô, thủy văn nước mặt suy giảm đáng kể và trong tương lai được dự báo sẽ trầm trọng hơn sẽ khiến cho phù sa, bùn cát ở thượng nguồn không được vận chuyển, chất dinh dưỡng, phú dưỡng không được tuần hoàn, thiếu nước trên các sông, hồ; điều đó gây hậu quả nghiêm trọng đến các HST trên sông, vùng hồ ở vùng thượng nguồn.
Trong tương lai, việc sử dụng quá nguồn nước ngầm để điều chỉnh độ mặn trong các vùng nuôi thủy sản rộng lớn cũng như sử dụng lãng phí nguồn nước mặt trong sinh hoạt sẽ dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng nguồn nước ngầm cần thiết cho các loài cây nước ngọt ven sông và các sinh vật sống trong đất bùn.
Xâm nhập mặn sâu hơn vào nội địa, nhất là khi có hạn hán trên địa bàn tỉnh Bình Dương ảnh hưởng đến khả năng cấp nước ngọt, giảm chất lượng nước mặt và nước ngầm. BĐKH sẽ làm cho diện tích bị nhiễm mặn tăng lên đáng kể, làm giảm sút sản lượng lúa và nhiều hậu quả khác về môi trường. Một số khu vực nuôi thủy sản nước ngọt giảm do nước biển dâng, nước mặn lấn sâu vào lục địa. Các khu vực cư ngụ và sinh sản của hệ sinh thái ven bờ sẽ có những biến động lớn do HST thay đổi.
Quần thể của một số loài (chủ yếu là các động vật hoang dã) đang bị đe dọa sẽ gặp rủi ro mạnh hơn do tác động phối hợp của BĐKH và việc chuyển đổi cách sử dụng đất. Một phần đáng kể diện tích trồng trọt, diện tích rừng ở tỉnh có thể bị ảnh hưởng, hệ sinh thái nước ngọt sẽ bị thu hẹp dần và hệ sinh thái nước mặn và lợ sẽ tăng cao do nước biển dâng cao. Các giống cây trồng đặc hữu của địa phương có khả năng bị suy thoái.
Mùa mưa tại tỉnh Bình Dương, lượng mưa nhiều, chiếm 80-90% lượng mưa cả năm, nền nhiệt độ tương đối cao, độ ẩm lớn, lưu lượng dòng chảy ở thượng nguồn mạnh cho mực nước trên các sông, hồ tại trên địa bàn tỉnh lên cao, thường xảy ra lũ lụt, ngập ở hạ du, khu vực trũng thấp ven sông. Từ những yếu tố trên dẫn đến nguồn nước dồi dào phục vụ tưới tiêu, giúp hệ sinh thái trên các sông hồ có thể phát triển tốt. Trong tương lai, nhiệt độ được dự báo sẽ gia tăng, lượng mưa vào mùa mưa có sự thay đổi dương so khá lớn so với thời kỳ cơ sở (từ 12 - 14%), mực nước biển Đông tăng từ 10-25 cm vào đầu thế kỷ và giữa thế kỷ (năm 2025, 2030 và 2050) sẽ ảnh hưởng đến các sông chảy qua địa bàn tỉnh.
Vào mùa mưa, nguồn nước mặt dồi dào thì môi trường tự nhiên, HST sinh sôi, này nở, tính đa dạng sinh học cao; đồng thời, các tác động của BĐKH đến nhiệt độ bề mặt gia tăng, lượng mưa tăng cường, nước biển dâng, thủy triều khiến cho thủy văn nước mặt trên các sông, suối ở tỉnh, đặc biệt lưu vực dưới hồ Dầu Tiếng, Phước Hòa, trong phạm vi lưu vực nước mặt sông Sài Gòn, Đồng Nai, Thị Tính, sông Bé bị xáo trộn. Qua đó gây hại cho HST thủy vực trong khu vực dọc, ven sông Sài Gòn, ven sông Thị Tính, ven sông Bé, ven sông Đồng Nai, điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hiện tượng tảo nở hoa và hiện tượng phú dưỡng, có thể tác động tiêu cực đến các loài nhạy cảm.
Ngoài ra, dưới tác động những cơn bão, gió mùa Đông Bắc, gió Tây Nam, gió Nam tăng cường khiến mực nước biển đi sâu vào lục địa, nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào vùng nước ngọt trong sông, kênh, hệ thống thủy lợi tức thời theo mùa và thường xuyên; điều đó ảnh hưởng xấu tới đa dạng sinh học, nhiều loài chết hoặc di cư, mất nguồn cung cấp thực phẩm, làm suy giảm chất lượng nước, đất ở các sông, suối, hồ, ao và mạch nước ngầm; sự suy thoái sẽ lần lượt dẫn đến căng thẳng về nguồn nước hiện có, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các HST rừng phòng hộ tự nhiên, HST NTTS, Nông nghiệp, lâm nghiệp trên toàn Tỉnh.
Nhìn chung các hệ sinh thái bị ngập đều là những hệ sinh thái có khả năng chống chịu tốt, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là các hệ sinh thái này không bị tác động. Do quá trình ngập xảy ra rất bất thường (chỉ khoảng vài ngày) làm thay đổi đột ngột môi trường sống của các hệ sinh thái có thể gây chết hàng loạt đối với các thủy sinh. Hoặc ngập thường xuyên trong tương lai do BĐKH, thay đổi chế độ thủy văn trên sông, lưu lượng thượng nguồn thay đổi sẽ làm phát triển nhiều loài vi sinh vật gây hại, sinh vật ngoại lai, điều này sẽ tác động lớn đến HST thủy sinh, thay đổi thủy hóa, thủy lí.
Quần thể của một số loài (chủ yếu là các động vật hoang dã) đang bị đe dọa sẽ gặp rủi ro mạnh hơn do tác động phối hợp của BĐKH và việc chuyển đổi cách sử dụng đất. Một phần đáng kể diện tích trồng trọt ở tỉnh có thể bị ngập nước hệ sinh thái nước ngọt sẽ bị thu hẹp dần, các giống cây trồng đặc hữu của địa phương có khả năng bị suy thoái.
Bên cạnh đó, BĐKH gây ra các tác động: triều cường, lưu lượng dòng chảy nhỏ, mực nước thấp do mưa lượng mưa ít, nhiệt độ cao ở thượng nguồn vào mùa khô; lượng mưa tăng, mưa nhiều nguồn nước mặt dồi dào, dòng chảy mạnh không điều tiết tốt sẽ gây ngập lụt kéo theo chế độ thủy văn nước mặt, tài nguyên nước bị ảnh hưởng, kéo theo thủy hóa và thủy sinh xấu đi.
BĐKH còn ảnh hưởng đến các thủy vực nội địa (sông, hồ, đầm lầy, ...) qua sự thay đổi nhiệt độ nước và mực nước, lưu lượng, đặc biệt là tần suất và thời gian của những trận lũ và hạn hán lớn sẽ làm giảm sản lượng sinh học bao gồm cả các cây trồng nông, công và lâm nghiệp, và sự diệt vong của nhiều loài động thực vật bản địa, gây hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế của tĩnh. Bão, lũ lụt, và những thay đổi điều kiện sinh thái khác sẽ dẫn tới các thảm họa khác, ốm đau, thương tích, suy dinh dưỡng và các bệnh dịch mới, nhất là các bệnh do vectơ truyền có tỷ lệ tử vong cao.
Nhiệt độ tăng cao làm cho môi trường nước xấu đi, là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các loài vi sinh vật gây hại, là điều kiện phát sinh dịch bệnh trong các loài nuôi. Trong những năm gần đây, do môi trường vùng nuôi bị suy thoái kết hợp với sự thay đổi khắc nghiệt của thời tiết, đã gây ra hiện tượng tôm sú chết hàng loạt, như bệnh do nhóm vi khuẩn Vibrio gây ra, bệnh do virus. Các bệnh này thông thường xảy ra và lan truyền rất nhanh và rộng, khó chữa nên mức độ gây rủi ro rất lớn.
Các số liệu và phân tích cho thấy biến đổi khí hậu có những tác động tiềm tàng đến các lĩnh vực, các địa phương và các cộng đồng khác nhau. Biến đổi khí hậu làm tăng khả năng bị tổn thương và tạo nguy cơ làm chậm hoặc đảo ngược quá trình phát triển. Đặc biệt ở dải ven biển và các khu vực miền núi là đối tượng chịu nguy cơ tổn thương lớn nhất do biến đổi khí hậu…
Giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu trong thời gian qua
Ứng phó với biến đổi khí hậu đã được chủ động lồng ghép vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các dự án phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương: Khảo sát lập kế hoạch nâng cấp hệ thống đê bao, xác định sông, kênh mương, suối trê địa bàn tỉnh cần nạo vét, khai thông dòng chảy; giải pháp bảo vệ rừng trong điều kiện BĐKH; đánh giá những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến ngành du lịch tỉnh Bình Dương; Rà soát quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bình Dương đến năm 2030 có gắng với khả năng phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu được đẩy mạnh; thực hiện tuyên truyền trên báo Tài nguyên và Môi trường, trên báo Bình Dương và Đài phát thanh Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Giờ Trái đất, Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động như: Tổ chúc Hội thi vẽ tranh tuyên truyền về bảo vệ môi trường cho các em học sinh; tổ chức Chương trình “Ngày hội môi trường”; tổ chức trao Giải thưởng môi trường tỉnh Bình Dương; tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến kiến thức cơ bản về khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu…
Cơ cấu kinh tế đang dần chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp; tổ chức hướng dẫn các hộ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm của cây ăn trái có múi,… từng bước chuyển đổi dần thành nông nghiệp công nghệ cao trong thời gian tới; xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030...
Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường đến năm 2020 nhằm thiết lập mạng lưới quan trắc phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đồng thời cung cấp thông tin đầy đủ và kịp thời về hiện trạng và diễn biến khí hậu, thủy văn và chất lượng các thành phần môi trường, những biến động về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt đã xây dựng và đưa vào vận hành 02 trạm thủy văn hạng 3 trên sông Đồng Nai, sông Thị Tính và đang xây dụng 01 trạm thủy văn trên sông Sài Gòn, đưa vào hoạt động các trạm quan trắc nước mặt, nước dưới đất, từ đó góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thiết lập và triển khai đầu tư thực hiện xây dựng, sửa chữa, nâng cấp những khu vực chưa có đê bao hoặc đã có nhưng bị hư hỏng nhằm chống ngấp, ngăn mặn, nạo vét sông, kênh mương, suối, khu vực có dòng chảy chậm gây ngập lụt cục bộ trên địa bàn tỉnh, khu vực cần nạo vét tiêu thoát nước ránh ngập úng và tiến hành khai thông dòng chảy, giúp hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất cho việc đi lại, cho đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.
Về công tác hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực hỗ trợ hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu: Tăng trường huy động nguồn vốn ODA và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) trong việc thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020 với tổng số vốn vay là 7.874 tỷ đồng.
Ngọc Trang