Sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030 (18/10/2021)
Với quan điểm thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh và hiệu quả; bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo và tái cơ cấu nền kinh tế; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững được triển khai đồng bộ, tập trung vào các hành động có tính đột phá; bổ sung, đồng thời gắn kết các nội dung vào các chương trình liên quan hiện có… ngày 18/10/2021, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch số 5308/KH-UBND về việc thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030.
Triển khai thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia, đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, trong đó doanh nghiệp và người tiêu dùng đóng vai trò trung tâm.
Phấn đấu đến năm 2030, Giảm 7 - 10% mức tiêu hao nguyên nhiên vật liệu của các ngành sản xuất chính như dệt may, thép, nhựa, hóa chất, xi măng, gốm sứ, chế biến gỗ, chế biến thực phẩm, chế biến thủy hải sản và một số ngành sản xuất khác; 100% các khu, cụm công nghiệp, làng nghề được tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về sản xuất và tiêu dùng bền vững; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm bao bì nhựa sử dụng một lần, khó phân hủy; giảm 60% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ dân sinh…
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ triển khai quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển nhiên liệu, nguyên vật liệu có thể tái tạo, tái sinh. Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng các mô hình thu hồi, tái sử dụng và tái chế chất thải. Khuyến khích phát triển các dự án điện năng lượng mặt trời tại các doanh nghiệp và hộ gia đình trên địa bàn tỉnh để phục vụ sản xuất và sinh hoạt, nhằm giảm sử dụng nhiên vật liệu hóa thạch…
Thúc đẩy, nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn, sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, phổ biến và nhân rộng các mô hình cộng sinh công nghiệp; mô hình khu, cụm công nghiệp, làng nghề sinh thái và bền vững; phát triển mạng lưới liên kết bền vững giữa sản xuất tiểu thủ công nghiệp và sản xuất công nghiệp; hỗ trợ xây dựng và áp dụng nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn, các mô hình về quản lý và sử dụng nước hiệu quả.
Phát triển hệ thống phân phối, các kênh phân phối hàng hóa bền vững, dịch vụ hậu cần, kho vận giao nhận hàng hóa theo hướng thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, nguyên nhiên vật liệu. Khuyến khích sản xuất và sử dụng phương tiện vận tải thân thiện môi trường, ít phát thải khí nhà kính. Xây dựng mô hình "Điểm kinh doanh xanh" cung cấp các sản phẩm thông minh, thân thiện với môi trường, nâng cao giá trị sử dụng
Thúc đẩy dán nhãn và chứng nhận nhãn sinh thái, thực hiện chứng nhận nhãn du lịch bền vững, nhãn xanh cho cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; nhãn xanh đối với các công trình xây dựng, các cơ sở và trung tâm thương mại.
Đẩy mạnh phát triển thị trường bền vững, cung cấp thông tin cho người tiêu dùng; Đẩy mạnh mua sắm bền vững; Nâng cao năng lực, tăng cường giáo dục và thực hành lối sống bền vững.
Phát triển khoa học công nghệ, xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin, đẩy mạnh truyền thông nhằm liên kết mạng lưới thúc đẩy sản xuất sạch hơn và tiêu dùng bền vững, Triển khai thực hiện chương trình khoa học và công nghệ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, kinh tế tuần hoàn giai đoạn 2021 - 2030; hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Thiết kế bền vững, thiết kế sinh thái, thiết kế để tái chế, tái sử dụng. Phổ biến và nhân rộng các mô hình đẩy mạnh thiết kế sinh thái, thiết kế bền vững, thiết kế để tái chế và tái sử dụng, góp phần giảm phát thải theo vòng đời sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.
Dương Tuấn