Thực hiện Tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương (24/10/2021)
Trong giai đoạn 2016-2020, Bình Dương đã ban hành nhiều chính sách, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, đề án… thực hiện tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong đó đề ra 04 chủ đề chính gồm: Xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Thực hiện xanh hóa sản xuất; Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững với sự triển khai đồng bộ, quyết liệt, hoạt động tăng trưởng xanh tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Nhận thức của cộng đồng về tăng trưởng xanh ngày càng được nâng lên.
Xây dựng tăng trưởng xanh tại địa phương
Nhiều phong trào đã được triển khai và lan tỏa trong toàn dân trên địa bàn: ra quân các ngày Chủ nhật xanh, ngày Thứ bảy tình nguyện, hưởng ứng chiến dịch “Giờ trái đất”; nhân rộng các mô hình tổ tự quản về bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”; chương trình truyền thông hưởng ứng chiến dịch “Giờ trái đất”; tuyên truyền và vận động bảo vệ môi trường về tác hại của túi ni lông; phát miễn phí tờ rơi, túi sinh thái cho người dân khi mua sắm tại các chợ trung tâm của 9 huyện, thị xã thành phố; tuyên truyền về cách nhận diện những sản phẩm thân thiện môi trường, sản xuất hữu cơ cho người tiêu dùng, sử dụng các chai, lọ thủy tinh thay vì chai nhựa để dựng đồ, hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa hạt vi nhựa; hạn chế sử dụng các vật dụng làm bằng nhựa dùng một lần, sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường để đóng gói, bọc hàng hóa thay các túi nilong… đã nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong toàn dân trên địa bàn.
Ông Mai Hùng Dũng, PCT. UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị
Thí điểm một số mô hình tăng trưởng xanh quy mô nhỏ trên địa bàn tỉnh mang hiệu nhiều hiệu quả thiết thực: Mô hình xử lý chất thải chăn nuôi gia súc nhằm mục tiêu xử lý chất thải trong chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học với chi phí đầu tư nhỏ, không chiếm nhiều diện tích đất; Mô hình xanh hóa vườn cây có múi nhằm giảm chi phí, tiết kiệm nguồn lực về năng lượng, nước tưới, hóa chất nông nghiệp, giảm ô nhiễm tài nguyên đất, nước, không khí góp phần bảo vệ môi trường; Mô hình xanh hóa làng nghề sản xuất ngành nghề nông thôn truyền thống nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cá nhân, hộ sản xuất, cộng đồng dân cư tại các làng nghề về bảo vệ môi trường; Mô hình nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp ngoài nhà nước (về sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng thông qua các dự án trình diễn.
Mô hình tiết kiệm nước tưới cho cây xanh, vườn hoa tại đô thị nhằm vận hành thí điểm hệ thống tưới nước nhỏ giọt đến các hố trồng cây xanh, vườn hoa nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức về tiết kiệm nước ngọt tưới cây cũng như tiết kiệm các chi phí hoạt động chăm sóc khác, góp phần tạo không gian xanh, mỹ quan đô thị, vừa nâng cao ý thức công dân về gìn giữ môi trường sống đô thị; Mô hình xanh hóa khu nhà trọ tại các khu, cụm công nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi tiêu dùng, lối sống cho cộng đồng công nhân sinh sống trong các khu nhà (phòng) trọ về sử dụng bao bì, phân loại rác thải sinh hoạt, tiết kiệm điện, nước sinh hoạt hằng ngày hay việc xanh hóa không gian nhà trọ…; Mô hình trường học xanh nhằm giáo dục học sinh cách sống khỏe mạnh; ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh trường, lớp, môi trường sống xung quanh; Mô hình bệnh viện xanh nhằm xây dựng không gian thăm khám, nghỉ dưỡng sạch sẽ, yên tĩnh, nhiều bóng mát gắn với các hoạt động khám chữa bệnh tại bệnh viện, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đảm bảo sức khỏe cộng đồng.
Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo
Tỉnh đã tổ chức 02 hội thảo lồng ghép các nội dung về tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp. Đồng thời, đã xây dựng và hoàn thành Đề án tuyên truyền vận động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong nhân dân; nghiên cứu đề xuất công cụ phục vụ kiểm toán năng lượng lồng ghép đánh giá tiềm năng sản xuất sạch hơn cho một số ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh Bình Dương, sản phẩm chính đạt được là phần mềm phục vụ kiểm toán nhanh năng lượng lồng ghép với đánh giá tiềm năng sản xuất sạch hơn cho các ngành nghề công nghiệp tại tỉnh Bình Dương.
Xây dựng và nghiên cứu các đề tài: Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý phục vụ công tác phòng, chống ngập lụt trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Điều tra đánh giá khả năng chịu tải và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm trên kênh, rạch cho vùng đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương; Nghiên cứu đánh giá hiện trạng sạt lở đất ở Cù Lao Rùa (Thạnh Hội) trong thời gian qua, nguyên nhân, dự báo và đề xuất giải pháp khắc phục.
Trong lĩnh vực trồng trọt: Thực hiện mô hình ứng dụng giống lúa OM 5451 theo chương trình “1 phải 5 giảm”. Kết quả, giống lúa ngắn ngày, có năng suất cao (5,0-5,5 tấn/ha), kháng được rầy nâu và bệnh đạo ôn dẫn nên giảm số lần và số công phun thuốc thuốc bảo vệ thực vật từ 3-7 lần; tiết kiệm chi phí sản xuất, giúp hạn chế ô nhiễm môi trường đất, nước gây ra bởi thuốc bảo vệ thực vật.
Triển khai thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020; Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên các loại cây trồng giai đoạn năm 2018 - 2020”.
Áp dụng quy trình tưới tiêu tiết kiệm nước trong sản xuất lúa và các cây trồng khác; sử dụng giống, phân bón, thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học, sử dụng hợp lý nhằm nâng cao tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp. Phát triển và nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh biến đổi khí hậu, các mô hình thích ứng biến đổi khí hậu dựa trên hệ sinh thái để đảm bảo tăng trưởng bền vững và giảm phát thải khí nhà kính.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng bắt đầu được quan tâm phát triển trên địa bàn tỉnh với khoảng 600ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp một cách khoa học, hợp lý tránh tác động xấu đến môi trường. Tổ chức thu gom, tiêu hủy bao bì thuốc bảo vệ thực vật và hỗ trợ xây dựng hố thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất do thuốc bảo vệ thực vật gây ra.
Trong lĩnh vực chăn nuôi: tập trung hoàn thiện quy hoạch chăn nuôi, đẩy mạnh hỗ trợ phát triển chăn nuôi an toàn bền vững như: Hỗ trợ xây dựng mô hình chuỗi sản phẩm chăn nuôi sạch; mô hình liên kết sản xuất, cung ứng các sản phẩm thịt heo, thịt gà, trứng gà VietGAHP ở nhiều địa phương trong tỉnh… Đến cuối năm 2020, đã chứng nhận được 34 cơ sở chăn nuôi theo quy trình VietGAHP. Qua đánh giá, các cơ sở hiện vẫn duy trì, thực hiện tốt các quy trình chăn nuôi theo quy định. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích các hộ gia đình nông thôn xây dựng mới công trình khí sinh học - Biogas để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nguồn nước, tạo khí đốt sinh học, cải thiện đời sống, sinh hoạt cho các hộ dân nông thôn.
Trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp: công tác trồng rừng được quan tâm, lựa chọn các giống cây lâm nghiệp có chất lượng cao, tăng cường chăm sóc, bảo vệ để nâng cao chất lượng rừng, tăng khả năng hấp thụ khí CO2; quản lý rừng bền vững kết hợp với đa dạng hóa sinh kế cho người dân địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn thể người dân về vai trò tác dụng của trồng cây và trồng rừng.
Thực hiện 02 dự án về thiết kế lắp đặt hệ thống biến đổi năng lượng mặt trời: Công trình Thiết kế lắp đặt hệ thống biến đổi năng lượng mặt trời công suất 1P-2,5kW ứng dụng trong dân dụng Công trình Thiết kế lắp đặt hệ thống biến đổi năng lượng mặt trời công suất 3P-15kW góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng các dạng năng lượng mới; triển khai thực hiện đề tài “Điều tra, thống kê phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh Bình Dương” nhằm hình thành cơ sở dữ liệu thực hiện kiểm kê khí nhà kính định kỳ của tỉnh và đề xuất các giải pháp quản lý, các hoạt động giảm thiểu phát thải khí nhà kính trên địa bàn.
Thực hiện xanh hóa sản xuất
Tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Cải thiện đổi mới công nghệ và phát triển hạ tầng năng lượng theo hướng bền vững, tính đến tháng 10/2020, trên địa bàn tỉnh đã có 2.097 dự án điện mặt trời mái nhà (bao gồm người dân và doanh nghiệp) được triển khai với tổng công suất khoảng 109.166,8 kWp.
Triển khai các đề tài nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực: Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý phục vụ công tác phòng, chống ngập lụt trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Nghiên cứu đề xuất công cụ phục vụ kiểm toán năng lượng lồng ghép đánh giá tiềm năng sản xuất sạch hơn cho một số ngành công nghiệp chủ yếu của tỉnh Bình Dương; Điều tra đánh giá khả năng chịu tải và đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm trên kênh, rạch cho vùng đô thị phía Nam tỉnh Bình Dương; Nghiên cứu đánh giá hiện trạng sạt lở đất ở Cù Lao Rùa (Thạnh Hội) trong thời gian qua, nguyên nhân, dự báo và đề xuất giải pháp khắc phục; Nghiên cứu và đánh giá mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP tại tỉnh Bình Dương.
Chống thoái hóa đất, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, hàng năm, công tác quan trắc và giám sát chất lượng đất để đánh giá các thành phần ô nhiễm đồng thời tổng hợp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Khuyến khích hỗ trợ phát triển nhanh các ngành sản xuất sản phẩm sinh thái thông qua công tác tuyên truyền phổ biến về các sản phẩm sinh thái cho các đối tượng doanh nghiệp trong các nội dung tập huấn, tuyên truyền về bảo vệ môi trường đã triển khai lồng ghép hiệu quả.
Đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến phương pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, trong giai đoạn này, tỉnh đã triển khai thực hiện đánh giá nhanh và đánh giá tổng thể về sản xuất sạch hơn cho 31 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp; Xây dựng “Đề án Phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới gắn liền với tình hình thay đổi thực tế trong nước, bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Đẩy mạnh hoạt động tái chế, tái sử dụng các chất phế thải trong nước, thực hiện thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn để phân loại các chất thải rắn, hạn chế các chất thải ra môi trường và thu gom các chất thải còn giá trị để tái chế trên một số tuyến đường, khu phố và một số khu vực đông dân cư trên địa bàn tỉnh; tổ chức Hội nghị triển khai các quy định về Quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Để phục hồi, phát triển các nguồn vốn tự nhiên, tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động đa dạng sinh học tỉnh Bình Dương đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, nhằm tổng hợp, hoàn thiện dữ liệu về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh, xây dựng và thực hiện các quy hoạch dài hạn về khai thác, sử dụng, dự trữ bảo tồn các tài nguyên.
Ngoài ra, việc phát triển kết cấu hạ tầng bền vững cũng đã được triển khai như tuyên truyền, vận động lắp đặt đồng hồ nước cho các hộ dân nông thôn, tỷ lệ số hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%.
Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững
Đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành thành phố thông minh giai đoạn 1, kết nối cơ sỡ dữ liệu trong quá trình điều hành phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ người dân.
Đầu tư hệ thống thông tin địa lý (GIS) giai đoạn 2, thực hiện trên ranh địa giới nghiên cứu bao gồm 08 huyện, thị xã. Đơn vị thiết kế đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm và chuyển giao phần mềm, hiện nay đã cơ bản hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ưu tiên phân bổ đất công để nâng cao diện tích không gian xanh và mặt nước ở các đô thị, đạt tiêu chuẩn diện tích cây xanh đô thị ước tính theo đầu người đã quy định cho từng loại đô thị.
Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức luôn được quan tâm chú trọng đối với việc vận động thực hiện “Lối sống xanh”, theo đó đã vận động thực hiện thông qua các nhiệm vụ như: “Tổ chức các hoạt động truyền thông đa dạng để nâng cao nhận thức cho các nhóm xã hội về lối sống xanh (xanh hóa nhà ở, khu dân cư và nơi làm việc), phổ biến phong trào 3T (tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng), tuyên truyền lựa chọn phương tiện giao thông công cộng đến các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, công nhân, sinh viên, học sinh…
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được kế hoạch đề ra: Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn ngày một nâng lên; an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện tốt… Đến cuối năm 2020, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 07 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 01 huyện, 02 thị xã đã được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thị xã hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới. Thu nhập bình quân của dân cư nông thôn đến năm 2020 đạt 68 triệu đồng/người/năm.
Trần Phước