Hợp tác xã Bình Dương: Chuyển biến tích cực về số lượng lẫn chất lượng, góp phần phát triển kinh tế xã hội tỉnh nhà (23/11/2021)
Trong những năm qua, hoạt động của các Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh phát triển rõ rệt. Luật Hợp tác xã năm 2012 đã có tác động trên nhiều mặt. Nhận thức trong hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX đã được nâng lên. Khu vực KTTT, HTX, nhất là những năm gần đây có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ bản khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài.
Tính đến ngày 31/12/2021, số lượng HTX dự kiến là 221 HTX (tăng 105 HTX so với thời điểm 01/7/2013), số lượng HTX đang hoạt động 185 HTX (tăng 107 HTX so với thời điểm 01/7/2013); số HTX ngưng hoạt động 19 HTX, số lượng HTX đã chuyển đổi, giải thể 85 HTX. Số thành viên HTX dự kiến đến ngày 31/12/2021 là 35.828 thành viên, giảm 12.611 thành viên so với ngày 01/7/2013 (48.439 thành viên).
Doanh thu bình quân dự kiến đến ngày 31/12/2021 đạt 4,3 tỷ đồng/HTX và lợi nhuận bình quân đạt 750 triệu đồng/HTX/năm. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động đạt 10,5 triệu đồng (đối với HTX từ 6 triệu đến 6,5 triệu đồng/lao động/tháng và 14,5 triệu đồng/lao động/tháng đối với QTDND), tăng 06 triệu đồng so với 01/7/2013.
Trong những năm qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Các địa phương đẩy mạnh thực hiện tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới góp phần thúc đẩy thành lập và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX; số lượng các HTX áp dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng nhiều; đặc biệt, các HTX nông nghiệp đã hoạt động gắn với các sản phẩm chủ lực của vùng, thực hiện liên kết chuỗi. Nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh cũng như chủ động nghiên cứu, mở rộng thị trường, không những trong nước mà còn xuất khẩu…
Điển hình như, tỉnh đã hỗ trợ cho các HTX xây dựng nhà máy chế biến rau quả, ứng dụng công nghệ trồng cỏ và kỹ thuật chăn nuôi bò sữa và ứng dụng công nghệ nuôi thâm canh cá nước ngọt; xây dựng các đề tài cấp Quốc gia, cấp tỉnh nhằm hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển bền vững gồm: đề tài Xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Sơn mài Bình Dương”; đề tài Xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Bưởi Bạch Đằng”, “Măng cụt Lái Thiêu”; đề tài Phát triển du lịch sinh thái và làng nghề Bình Dương; triển khai xây dựng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001-2015; mã số - mã vạch hàng hóa; hướng dẫn đăng ký lập quyền sở hữu về nhãn hiệu hàng hóa với 12 HTX, tổng số vốn trên 1 tỷ 550 triệu đồng.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 HTX tham gia Đề án hỗ trợ xây dựng HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị do Liên Minh HTX Việt Nam thực hiện gồm: HTX cây ăn Quả Tân Mỹ đã được hỗ trợ máy tính, phân bón, hệ thống tưới 1,2 ha vườn bưởi với số tiền 124.700.000 đồng, HTX Ổi Thanh Kiên đã được hỗ trợ hệ thống tưới tự động IOT cho 2 ha vườn ổi và phần mềm quản lý với số tiền 320.000.000 đồng. Hiệu quả bước đầu giảm chi phí đầu vào của HTX từ 18-22%, góp phần tăng thu nhập cho thành viên và người lao động của HTX.
Việc các HTX thực hiện mô hình sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực hiệu quả của mô hình HTX kiểu mới sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với hoạt động theo mô hình truyền thống; doanh thu, chia lợi ích của HTX đối với thành viên, tài sản không chia, lợi ích khác mang lại cho thành viên ngày càng được nâng lên.
Các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cao trong quản trị điều hành, sản xuất của HTX được Hội đồng quản trị quan tâm và sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước giúp cho HTX xây dựng các mô hình áp dụng trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, thực hiện tốt tính minh bạch trong kết quả sản xuất kinh doanh của HTX.
HTX là cầu nối cho việc tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho thành viên, tăng thu nhập, góp phần ổn định sản xuất và phát triển kinh tế hộ của thành viên; thực hiện tốt việc liên kết tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, Trung tâm thương mại, các doanh nghiệp bán lẻ... Một số HTX đã và đang áp dụng các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, hữu cơ) và đầu tư máy móc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như: sử dụng nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt,... chủ động đổi mới công nghệ trong sản xuất, mở rộng sản xuất kinh doanh, tích cực phát triển thêm thị trường; các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu: xuất khẩu mặt hàng bưởi sang thị trường Singapore; xuất khẩu ổi sang thị trường Nhật Bản, Dubai, Malaysia, Campuchia, Lào…
Bên cạnh đó, các tổ hợp tác cũng thể hiện được vai trò là một trong những hình thức KTTT, tự nguyện hoạt động trên cơ sở hợp đồng hợp tác được UBND xã, phường chứng thực, tương trợ nhau về vốn, giúp nhau kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho đông đảo lao động phổ thông; đồng thời là nơi tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thu hút nhiều cá nhân, hộ gia đình, tham gia THT, các THT đã từng bước nâng dần chất lượng, hiệu quả hoạt động, doanh thu, lợi nhuận từng bước nâng lên; chú trọng lợi ích mang lại cho thành viên tham gia phát triển các ngành nghề truyền thống, sản phẩm OCOP; đồng thời giúp các hộ thành viên phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao thu nhập, đời sống.
Có thể thấy, môi trường đầu tư kinh doanh của khu vực HTX được cải thiện rõ rệt; chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX được Trung ương và Tỉnh quan tâm, dành nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện bước đầu có hiệu quả như: chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho HTX; chính sách tiếp cận vốn và ưu đãi về tín dụng; hỗ trợ thành lập mới; về hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ chế biến sản phẩm... Đặc biệt là cơ chế hỗ trợ cho vay ưu đãi tại Quỹ Hỗ trợ phát triển KTTT tỉnh (đơn vị trực thuộc Liên minh HTX tỉnh) và tại các Sở, ngành, đoàn thể tỉnh quản lý (Quỹ Hỗ trợ Nông dân, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ, Quỹ Bảo vệ Môi trường, Quỹ Đầu tư phát triển…).
Ngọc Trang