Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (18/02/2022)
Đa dạng sinh học là vốn tự nhiên quan trọng để phát triển kinh tế xanh; bảo tồn đa dạng sinh học vừa lả giải pháp trước mắt, vừa là giải pháp lâu dài, bền vững nhằm bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu… ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2050, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn thực sự hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng khá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững đất nước.
Để đạt được mục tiêu này, không thể thiếu vai trò của khoa học và công nghệ, do đó, Chiến lược đã đưa ra giải pháp cụ thể về thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong phát triển các mô hình gây nuôi và tái thả các loài hoang dã vào tự nhiên, sử dụng bền vững loài, nguồn gen; tăng cường nghiên cứu nhằm quản lý hoặc kiểm soát các tác động tiêu cực của công nghệ sinh học đối với đa dạng sinh học và sức khỏe con người.
Phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ mới, sử dụng các biện pháp khai thác bền vững về tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường nghiên cứu, phát hiện các vật liệu di truyền và dẫn xuất có giá trị ứng dụng cao cho phát triển kinh tế xã hội; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài thực hiện tiếp cận nguồn gen nhằm mục đích nghiên cứu, phát triển các sản phẩm thương mại.
Ứng dụng có hiệu quả các thành tựu của khoa học và công nghệ hiện đại trong quản lý, điều tra, quan trắc, giám sát đa dạng sinh học; tăng cường nghiên cứu cơ bản trong trong khoa học sự sống, nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật hiện đại về phân loại học nhằm phát hiện và công bố các loài sinh vật mới cho khoa học của Việt Nam. Xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia về đa dạng sinh học nhằm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, Chiến lược đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học; bảo tồn và phục hồi các loài hoang dã nguy cấp, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, loài di cư; tăng cường công tác bảo tồn nguồn gen, quản lý tiếp cận nguồn gen, chia sẻ lợi ích và bảo vệ tri thức truyền thống về nguồn gen; đánh giá, phát huy lợi ích của đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát các hoạt động gây tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học.
Ánh Nguyệt