Xây dựng và Phát triển thành phố Thủ Dầu Một theo hướng đô thị thông minh (27/02/2022)
Là một trong những đô thị có tốc độ phát triển khá nhanh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thành phố Thủ Dầu Một ngày càng vươn lên mạnh mẽ, trở thành một trong những điểm đến ưu tiên của lao động trẻ từ khắp nơi trong cả nước. Trong những năm qua, Lãnh đạo Thủ Dầu Một rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong việc triển khai xây dựng đô thị Thủ Dầu Một theo hướng đô thị thông minh. Cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng được đầu tư mới, đáp ứng nhu cầu hàng năm của các đơn vị. Trình độ cán bộ được nâng cao, nhất là trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ công chức. Tính tổng thể, liên thông và truy xuất dữ liệu giữa các phân hệ đã hoàn chỉnh, tích hợp với CSDL ngành đề đồng bộ.
Vào tháng 8/2020, Chương trình số 04-CTr/TU về xây dựng và phát triển thành phố Thủ Dầu một theo hướng đô thị thông minh, giai đoạn đoạn 2020-2025 và các năm tiếp theo được ban hành, thành phố Thủ Dầu Một đã xây dựng Kế hoạch triển khai đồng bộ trên khắp địa bàn thành phố và mang lại hiệu quả cao. Tăng trưởng kinh tế của thành phố bình quân hàng năm đạt 26,85% (vượt 1,35% so với nghị quyết). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng đề ra: Dịch vụ - công nghiệp-nông nghiệp, với tỷ trọng tương ứng là 60,89% - 39,07%- 0,04%. 5 năm qua, thành phố đã tập trung đầu tư xây dựng và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Thành phố đã chủ động ban hành các kế hoạch nhằm tuyên truyền về xây dựng thành phố thông minh như: xây dựng thành phố thông minh và các chức năng hệ thống đường dây nóng 1022; tổ chức các lớp bồi dưỡng, kiến thức, nghiệp vụ về công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn; tổ chức bồi dưỡng kiến thức về thành phố thông minh và định hướng trong giai đoạn hiện nay... Trong năm 2021, thành phố đã phối hợp với thành phố Thông minh tỉnh tổ chức 01 lớp bồi dưỡng kiến thức về thành phố thông minh cho lãnh đạo các cơ quan thành phố và các phường. UBND thành phố đã nâng câp cổng thông tin điện tử theo hướng dễ tiếp cận, đầy đủ thông tin và phục vụ hiệu quả cho giải quyết công việc chuyên môn của cán bộ, công chức, tạo điều kiện cho việc tuyên truyền, công khai 100% TTHC trên cổng thông tin điện tử giúp người dân dễ dàng tương tác, trao đổi với UBND thành phố bằng nhiều hình thức...
Trong lĩnh vực hành chính công: thành phố đã ứng dụng hệ thống phần mềm một của điện tử quản lý hồ sơ và theo dõi hồ sơ, triển khai 43 TTHC mức độ 3, 157 TTHC mức độ 4 trên tổng số 278 TTHC thuộc thẩm quyền; ứng dụng phần mềm đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, các phần mềm chuyên môn trong việc giải quyết TTHC cấp số nhà; giấy phép xây dựng; cấp hộ tịch; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước nhằm đáp ứng nhu cầu gửi nhận văn bản điện tử và tích hợp vào các hệ thống thông tin giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với nhau được xác thực, nhanh chóng và an toàn. Đồng thời tiếp tục thực hiện triển khai chứng thư số chuyên dùng cho cơ quan, đơn vị, chứng thư số chuyên dùng cho thiết bị, đẩy mạnh ứng dụng chứng thư số chuyên dùng trong các giao dịch dịch điện tử với các cơ quan như thuế, bảo hiểm xã hội, kho bạc nhà nước.
Trong quản lý đô thị, giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã ưu tiên bố trí vốn từ nguồn ngân sách tỉnh cho 61 dự án với tổng vốn đầu tư 3.048 tỷ đồng, ngân sách cấp thành phố là 106 công trình với tổng vốn đầu tư 2.318,7 tỷ đồng (trong đó đã bố trí vốn 3.558,8 tỷ đồng cho các tuyến đường giao thông trên địa bàn thành phố, đã giải ngân vốn 1.992,7 tỷ đồng cho 77 tuyến đường). Thành phố Thủ Dầu Một có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng với nhiều tuyến đường, khu dân cư, đô thị… Hiện nay, thành phố đang xây dựng phương án triển khai lắp đặt hệ thống chiếu sáng thông minh trên các tuyến đường; triển khai cấp 1922 hồ sơ giấy chứng nhận số nhà mới và cấp đổi 655 giấy chứng nhận bằng hình thức trực tuyến.
Thành phố cũng đang phối hợp với Sở xây dựng từng bước hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở, công sở, về quy hoạch xây dựng, số hóa các đồ án quy hoạch để quản lý và công khai trên cổng thông tin thành phố, đồng thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khai thác dữ liệu. Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết: “TP.Thủ Dầu Một lên đô thị loại I, là đô thị trung tâm của tỉnh và là đầu tàu của các đô thị trên địa bàn tỉnh, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; là hạt nhân và động lực nhằm thúc đẩy tạo sự lan tỏa trong quá trình đô thị hóa đối với các đô thị phía nam của tỉnh như Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên và là động lực để các khu vực đô thị phía bắc Bình Dương cùng phát triển.
Trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính dùng chung nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành, đồng thời cung cấp các tiện ích khác thác dữ liệu hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Dự kiến trong năm 2022, thành phố sẽ trang bị 4 trụ sở bỏ rác và 4 thùng chứa rác ngầm bên dưới tại giao lộ đường Đinh Bộ Lĩnh - đường Bạch Đằng.
Trong giáo dục, triển khai đồng bộ hệ thống email công vụ, liên thông hệ thống phần mềm QLVB&HCSV đến các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở... trên địa bàn; triển khai các phần mềm quản lý học sinh, quản lý thu, quản lý tài sản... đến 57 trường công lập; tiếp tục triển khai dạy học qua internet, dạy học trực tuyến, học qua truyền hình, sử dụng các ứng dụng để tổ chức hoạt động dạy - học và kiểm tra, đánh giá kết quả của học sinh.
Trong y tế, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 50% tỷ lệ dân cư có bệnh án điện tử. Thành phố triển khai phần mềm khám chữa bệnh VNPT-HIS; phần mềm quản lý tiêm chủng trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia; hệ thống phần mềm VHD phục vụ công tác giám sát cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm covid-19 trên địa bàn; xây dựng, triển khai và vận hành hệ thống thông tin phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.
Ngoài ra, thành phố cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong các lĩnh vực thuế - tài chính, quản lý lao động và các chính sách xã hội, quản lý cán bộ công chức... tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển thành phố theo hướng đô thị thông minh.
Trong thời gian tới, thành phố sẽ thành lập trung tâm điều hành thành phố thông minh (IOC), vận hành hệ thống camera giám sát giao thông, an ninh trật tự trên địa bàn; triển khai lắp đặt hệ thống chiếu sáng thông minh, hệ thống chiếu sáng mỹ thuật trên một số tuyến đường trục chính độ; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành tiến tới chính quyền thông minh, đô thị thông minh.
Tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển đô thị theo hướng đô thị bền vững và tăng trưởng xanh, thông minh. Thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Thủ Dầu Một trên cơ sở quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; quy hoạch phân khu chức năng 12 phường (trừ Hòa Phú và Phú Tân), điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc đô thị, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2020-2030; kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Tiếp tăng cường công tác công khai quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng theo quy hoạch.
Ngọc Trang