Ứng dụng kỹ thuật cao trong nuôi trồng nấm dược liệu (15/06/2017)
Giới Nấm (tên khoa học: Fungi) bao gồm những sinh vật nhân chuẩn tự dưỡng có thành tế bào bằng kitin (chitin). Phần lớn nấm phát triển dưới dang các sợi đa bào được gọi là sợi nấm (hyphae) tạo nên hệ sợi (mycelium), một số nấm khác lại phát triển dưới dạng đơn bào. Quá trình sinh sản (hữu tính hoặc vô tính) của nấm thường qua bào tử, được tạo ra trên những cấu trúc đặc biệt hay thể quả. Một số loài lại mất khả năng tạo nên những cấu trúc sinh sản đặc biệt và nhân lên qua hình thức sinh sản sinh dưỡng.
Ngành sản xuất nấm ăn đã hình thành và phát triển trên thế giới từ hàng trăm năm nay. Ở Việt Nam, nấm ăn cũng được biết đến từ lâu, nhưng nghề trồng nấm mới phát triển chỉ hơn 10 năm trở lại đây. Ngoài giá trị dinh dưỡng, nấm ăn còn có nhiều đặc tính của biệt dược, có khả năng phòng và chữa bệnh như: Làm hạ huyết áp, chống bệnh béo phì, chữa bệnh đường ruột, tẩy máu xấu…
Ứng dụng kỹ thuật cao trong nuôi trồng nấm dược liệu như: Trồng nấm linh chi đỏ trên mùn cưa cao su được thay thế bằng mùn cưa gỗ quế giúp giảm tỷ lệ hư hỏng phôi nấm. Bên cạnh đó, theo một báo cáo khác cho thấy, nếu trồng nấm Linh chi đỏ trên gỗ quế điều trị ung thư rất tốt, khối u tiêu biến hoàn toàn. Ở nước ta, cây quế là nguồn dược liệu đáng kể, hàm lượng tinh dầu trong vỏ quế khá cao nên chủ yếu sử dụng phần vỏ, còn trong cành và lá thường thấp nên được tận dụng làm phế phẩm nông nghiệp nuôi trồng nấm Linh chi. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đã nghiên cứu thành công trồng nấm Hương trên bịch phôi có màng lọc vô trùng từ quy trình nuôi trồng nấm Hương trên mùn cưa cao su cổ nút bông. Từ hai kết quả này, Trung tâm Ứng dụng KH&CN Lâm Đồng đã đăng ký bảo hộ độc quyền sản phẩm, đồng thời, chứng nhận chất lượng qua Chi cục ATVSTP Lâm Đồng và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản nông nghiệp để giúp sản phẩm đảm bảo lưu thông trên thị trường (casti.lamdongdost.gov.vn).
Với nấm đông trùng dạ thảo, tại trường Đại học Thủ Dầu Một đã nghiên cứu nuôi trồng trên môi trường rắn có bổ sung gạo và bột nhộng; môi trường lỏng và môi trường thạch agar bổ sung đạm hữu cơ. Kết quả cho thấy, trồng nấm trong môi trường rắn hiệu quả hơn về các mặt như diện tích nuôi trồng nhỏ, giảm lượng nước tiêu thụ so với nuôi cấy lỏng, đồng thời giảm chi phí xử lý nước thải và tiêu thụ năng lượng trong quy trình nuôi nấm.
Nuôi trồng nấm khó nhất là môi trường, phải đảm bảo sạch từ nguyên liệu (rơm rạ, mùn gỗ, bã mía, các phụ gia) để phối trộn đóng bịch, nuôi cấy giống, đến phòng cấy và nuôi trồng. Đồng thời phải có dây chuyền công nghệ, máy móc, thiết bị hiện đại, như lò hơi tự động, máy nghiền, trộn nguyên liệu, máy đóng bầu tự động, hệ thống khử trùng (đèn cực tím), hệ thống sấy sản phẩm… phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong kỹ thuật trồng nấm, giống gốc là khâu quyết định trong sản xuất và nuôi trồng vì hiệu quả chỉ được đánh giá sau khi thu hoạch nấm. Do đó, cần phải chọn giống gốc đáp ứng yêu cầu của quy trình trồng nấm thì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngọc Trang