Chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (31/03/2022)
Trong bối cảnh hiện nay là thời cơ mà Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, hành động mạnh mẽ để phát triển kinh tế số và xã hội số, phát triển thêm các ngành nghề kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới, từ đó bức phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia. Nhiệm vụ phát triển kinh tế số và xã hội số được đặt ở mức ưu tiên cao trong các chiến lược phát triển quốc gia. Do đó, ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng 2030.
Chiến lược đặt ra mục tiêu đến năm 2025, về phát triển kinh tế số có tỷ trọng kinh tế số đạt 20%GDP; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 10%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 50%... đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số đạt 30%GDP; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%.
Về phát triển xã hội số, đến năm 2025, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%, sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 50%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%... đến năm 2030, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 70%, sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 70%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 95%...
Theo đó, các nhiệm trọng tâm được triển khai trong giai đoạn này là hoàn thiện thể chế, chính sách và môi trường pháp lý có liên quan đến phát triển kinh tế số và xã hội số; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, gồm hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế số và xã hội số; năm bắt cơ hội, phát triển và phổ cập nhanh các nền tảng số phục vụ các nhu cầu tiêng, đặc thù của người Việt Nam.
Phát triển dữ liệu chủ trong các CSDL quốc gia có độ chính xác cao làm dữ liệu gốc và dữ liệu mở đặc thù của Việt Nam để phân tích, xử lý, dán nhãn phục vụ phát triển trí tuệ nhân tạo; phát triển năng lực quản lý các nền tảng số, xây dựng môi trường số an toàn, lành mạnh, tạo niềm tin để mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số; phát triển nhân lực số theo hướng tập trung phát triển nhân lực công nghệ số đáp ứng kỹ năng mới liên quan đến điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, kiến trúc hệ thống, kỹ nghệ phần mềm, thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng, an toàn thông tin mạng.
Phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số theo hướng phổ cập kỹ thuật số toàn diện để hình thành nên một xã hội số công bằng và bao trùm, khơi dậy tiềm năng, sự tự hào Việt nam và niềm tin của người dân trên không gian số; phát triển doanh nghiệp số, gồm doanh nghiệp công nghệ số và chuyển đổi các doanh nghiệp truyền thống thành doanh nghiệp số; phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Dương Tuấn