Tình hình nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong ngành y tế (22/04/2022)
Trong công tác khám chữa bệnh, ứng dụng công nghệ chuyển đổi số chủ yếu tập trung vào phương pháp khám chữa bệnh không phẫu thuật với kỹ thuật phân tích chẩn đoán (đo để chẩn đoán). Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, chuyển đổi số trong kỹ thuật phân tích hình ảnh có tốc độ tăng trưởng cao. Trong công tác quản trị, chuyển đổi số được áp dụng nhiều trong hệ thống cảnh báo, chỉ báo từ xa; hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; hệ thống giám sát bệnh nhân, nhắc nhở uống thuốc.
Ba công nghệ số được đề cập nhiều trong các sáng chế về ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong ngành y tế gồm điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và internet vạn vật. Công nghệ điện toán đám mây được ứng dụng nhiều trong phân tích chẩn đoán; công nghệ trí tuệ nhân tạo được nghiên cứu ứng dụng trong phân tích hình ảnh y khoa. Trong khi đó, hệ thống cảnh báo, chỉ báo từ xa; hệ thống giám sát bệnh nhân được xây dựng dựa trên công nghệ internet vạn vật.
Các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp công nghệ trong nước tiếp cận khá nhanh với các động thái, chuyển biến trên thế giới về ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong ngành y tế. Theo thống kê của CESTI, trong thời gian qua, hơn 70 đề tài cấp tỉnh, cấp Bộ và cấp Quốc gia liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và các công nghệ số để phục vụ cho các hoạt động của ngành y tế đã được nghiên cứu và ứng dụng thành công trong thực tiễn. Bên cạnh đó, hàng trăm giải pháp công nghệ, thiết bị phục vụ chuyển đổi số trong ngành y tế sẵn sàng chuyển giao, cũng đang được các doanh nghiệp giới thiệu trên thị trường, thông qua kênh truyền tải là các Sàn Giao dịch công nghệ trên cả nước.
Tại hội thảo phân tích xu hướng công nghệ “Ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong ngành y tế”, tổ chức vào ngày 24/11/2021, 10 chuyên gia từ các viện nghiên cứu, trường đại học và các doanh nghiệp công nghệ đã giới thiệu các giải pháp công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật, blockchain… nhằm hỗ trợ các công tác chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh nhân từ xa,… trong y tế:
- PGS.TS.BS. Nguyễn Văn Chinh Trường Đại học Y Dược TP.HCM, với nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực gây mê hồi sức, đề xuất phương pháp mới nhằm xác định thời điểm chuyển tiếp của các trạng thái gây mê, phục vụ công tác phẫu thuật. Nghiên cứu này cho phép giám sát độ sâu gây mê, có khả năng giải quyết sự chuyển đổi của các trạng thái khác nhau và cá nhân hóa quá trình gây mê theo từng cá thể người bệnh, giúp giảm tai biến phẫu thuật, giảm giá thành và thời gian nằm viện của bệnh nhân, tăng hiệu quả điều trị và đặt nền tảng cho các nghiên cứu chuyên sâu hơn về gây mê hồi sức.
- PGS.TS. Phạm Thế Bảo Trường Đại học Sài Gòn giới thiệu một số nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết các bài toán trong y khoa, như xây dựng công cụ hỗ trợ trích xuất tự động vùng chất xám, vùng chất trắng và vùng dịch não tủy từ ảnh não MRI để xác định bệnh; xây dựng cơ sở dữ liệu phôi thai người 3-5 ngày để xác định các phôi phát triển tốt (phục vụ điều trị hiếm muộn); phân đoạn mạch vành từ các video MR của mạch vành để phát hiện các vị trí bất thường và khuyến nghị cho bác sĩ trong các khâu chẩn đoán,… đã được triển khai thành công tại một số bệnh viện, hỗ trợ nhiều cho bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh nhân.
- GS.TS. Võ Văn Tới (Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM) giới thiệu hệ thống viễn y, gồm các thiết bị y tế (đo huyết áp, điện tim, đường huyết, chức năng hô hấp,…) mà bệnh nhân có thể tự sử dụng, có kết nối internet và phần mềm kết nối với máy chủ (server) để quản lý dữ liệu và với phòng mạch (để bác sĩ theo dõi và chăm sóc bệnh nhân). Các thông tin về bệnh nhân sẽ được quản lý theo tài khoản. Khi bệnh nhân sử dụng các máy đo, dữ liệu sẽ được tự động gửi lên server. Bác sĩ có thể sử dụng website để xem kết quả đo, chẩn đoán, đưa ra chỉ định cho bệnh nhân. Nếu dữ liệu bệnh nhân vừa đo được vượt quá mức cho phép, hệ thống sẽ cảnh báo để bác sĩ xem xét và đưa ra chỉ định kịp thời.
- TS. Nguyễn Chí Ngọc (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP.HCM) giới thiệu Hệ thống PACS-Cloud ứng dụng công nghệ ảo hóa và điện toán đám mây, đã được triển khai thành công tại các bệnh viện và đem lại hiệu quả cao trong chẩn đoán hình ảnh, hội chẩn trực tuyến và quản lý thông tin y tế. Hệ thống phát huy tối đa các lợi thế của hệ thống điện toán đám mây lai, như đảm bảo hoạt động ổn định liên tục, giúp việc lưu trữ và yêu cầu về thiết bị giảm thiểu đáng kể ở các cơ sở khám chữa bệnh, tiết kiệm chi phí so với các sản phẩm cùng loại. Với khả năng đáp ứng linh động mọi nhu cầu sử dụng cấu hình, hệ thống PACS-Cloud lai cho phép các bệnh viện, cơ sở y tế với quy mô khác nhau có thể dễ dàng đầu tư khai thác vận hành tùy theo nhu cầu.
- ThS.BS.CK1. Phạm Ngọc Đoan Trang Bệnh viện Hùng Vương giới thiệu Hệ thống IoH gồm các mô-đun hỗ trợ cấu hình và thu thập dữ liệu, modul kết nối hỗ trợ việc cấu hình và trực quan hóa dữ liệu, modul thu thập dữ liệu thông qua SMS và nhắc lịch, modul xác thực và phân quyền, modul lưu trữ thông tin định danh, và modul mã hóa và giải mã thông tin định danh. Ứng dụng hệ thống vào thực tế quản lý đái tháo đường thai kỳ cho thấy khả năng tiếp nhận của nhân viên y tế và bệnh nhân đều cao, có tiềm năng ứng dụng tốt trong quản lý từ xa, nhất là với các bệnh mãn tính.
- ThS. Nguyễn Thị Bích Điệp Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông - Đại học Thái Nguyên giới thiệu về hệ chuyên gia chẩn đoán bệnh (cho một số bệnh nhiệt đới thường gặp) và dùng kỹ thuật chatbot để triển khai hệ chuyên gia, hỗ trợ tư vấn chẩn đoán bệnh trực tuyến. Hệ thống có các ưu điểm như: giao diện bằng tiếng Việt, thời gian phản hồi nhanh, trực quan, hoạt động tốt trên các nền tảng khác nhau (máy tính, điện thoại di động, máy tính xách tay). Tri thức cho hệ chuyên gia được lưu trong cơ sở dữ liệu, cho phép tùy biến theo thực tế phát triển các kiến thức y khoa.
- ThS. Trần Quốc Trung (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) giới thiệu Giải pháp thiết kế trải nghiệm người dùng dựa trên mô hình UCDC cho ứng dụng y tế điện tử E-doctor, giúp người thiết kế hiểu được người dùng mục tiêu, xác định đúng sản phẩm, thị trường phù hợp, điều chỉnh doanh nghiệp theo nhu cầu của người dùng và thị trường, xác định lợi thế cạnh tranh, xác định giá trị cốt lõi của sản phẩm, cải thiện chiến lược truyền thông và phát triển thương hiệu. Mô hình này còn rất hữu ích trong nhiều giai đoạn khác của quá trình thiết kế trải nghiệm người dùng, như: quá trình trao đổi với khách hàng, xây dựng chân dung khách hàng, bản đồ hành trình khách hàng, xác định kiến trúc thông tin,…
- ThS. Vũ Trung Hưng (Đại diện Công ty TNHH Med-Aid Việt Nam) giới thiệu Panther AI Contour, phần mềm tiên phong trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực xạ trị ung thư, cụ thể là phân vùng cơ quan trong xạ trị. Panther AI Contour cho kết quả nhanh (chỉ trong vòng 30 giây), giúp giảm bớt rất nhiều thời gian vẽ contour cho các bác sĩ và tăng chất lượng điều trị cho bênh nhân ung thư. Đối với ung thư vú, công nghệ GammaPod là phương pháp xạ phẫu chuyên trị. Với các ưu điểm kỹ thuật, chất lượng điều trị an toàn và suất liều cao, GammaPod cho phép xạ rất chính xác và đều vào khối u mà không lan qua các tế bào lành.
- Ông Đỗ Văn Long (Công ty Cổ phần VietnamBlockchain) giới thiệu về Covid Pass.vn, giải pháp công nghệ blockchain, giúp các cá nhân lưu trữ hồ sơ xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Khi người dùng truy cập vào ứng dụng để điền thông tin cá nhân, gửi tờ khai tại các cơ sở xét nghiệm, hệ thống sẽ tự động lưu và tạo ra mã QR cho hồ sơ của người dùng. Mã này dùng để xác nhận đăng ký tại bệnh viện và tra cứu kết quả xét nghiệm. Nhờ khả xác thực bằng nền tảng blockchain, Covidpass.vn cho phép phòng ngừa triệt để việc sử dụng các xét nghiệm giả hoặc đã hết hạn. Giải pháp hiện đã triển khai thành công tại một số đơn vị trong thực tế.
- Th.S Vũ Thái Hà (Công ty Cổ phần Edoctor) giới thiệu về giải pháp khám chữa bệnh và giám sát người bệnh từ xa (Telemedicine & RPM) trên ứng dụng di động (E-Doctor), với nhiều tiện ích, hỗ trợ tốt cho người dùng. Với chức năng tư vấn từ xa, có thể đặt hẹn khám bệnh, tư vấn từ xa với bác sĩ,… Chức năng theo dõi sức khỏe sẽ giúp người dùng nắm được chỉ số phản ánh sức khỏe như: nhu cầu nước, huyết áp, nhịp tim, BMI, sức khỏe kinh nguyệt, sinh sản,… Hệ thống cũng cho phép nhận tư vấn của bác sĩ về các chỉ số sức khỏe đang theo dõi.
Thực tế cho thấy, hầu hết các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; một số đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy, triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim; nhiều bệnh viện đã sử dụng mạng xã hội trong tương tác với bệnh nhân; hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế đã được xây dựng; việc triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo, ứng dụng robot y tế đã được thí điểm đưa vào hỗ trợ điều trị tại một số bệnh viện; hồ sơ sức khỏe điện tử, quản lý sức khỏe người dân đã bước đầu được triển khai ở nhiều nơi; ứng dụng công nghệ thông tin tại y tế cơ sở được đẩy mạnh. Gần đây, nhiều phần mềm khai báo y tế đã được triển khai để hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; nhiều hệ thống thông tin lớn như mạng kết nối y tế Việt Nam, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc trên toàn quốc, hệ thống tiêm chủng quốc gia,… Đây là những minh chứng cho sự chuyển mình mạnh mẽ, toàn diện của ngành y tế trong con đường chuyển đổi số.
Ngọc Trang