Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Bình Dương đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới (09/05/2022)
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu theo Quyết định số 163/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình số 20-CTr/TU ngày 09/8/2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3274/QĐ-UBND ngày 24/11/2016 thực hiện Chương trình số 20-CTr/TU và đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm như đào tạo nghề cho người lao động; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo nhiệm vụ, công vụ được phân công; đào tạo, đào tạo theo địa chỉ sử dụng, thu hút sinh viên y khoa tốt nghiệp ra trường về tỉnh công tác; đào tạo, bồi dưỡng công chức lãnh đạo, quản lý, viên chức quản lý, giáo viên các cấp học; Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, công chức, viên chức một số ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế; thu hút lao động có trình độ cao, chuyên gia đầu ngành phục vụ cho hoạt động quản lý hành chính nhà nước, phát triển kinh tế, quản lý đô thị và lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, khoa học công nghệ
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, trên cơ sở các đề án đã được phê duyệt, hàng năm, Sở Nội vụ đều tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo các nội dung, chương trình quy định, trong đó chú trọng đến đào tạo chuyên sâu sau đại học đối với một số ngành phục vụ công tác quản lý nhà nước và các lĩnh y tế, giáo dục và đào tạo và nhân lực khoa học, công nghệ; đào tạo lý luận chính trị, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo; bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho đội ngũ công chức, viên chức, chuyên môn…
Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ năm 2016-2020, tổng số cán bộ, công chức, viên chức đã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng là 40.930 lượt, tăng gần 10.000 lượt so với giai đoạn 2011-2015. Đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm 75%, trong đó có hơn 6% có trình độ sau đại học; cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên đạt 90,06%, số còn lại có trình độ từ trung cấp trở lên.
Tỉnh luôn quan tâm và định hướng cụ thể việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo sau đại học ở trong nước và nước ngoài. Từ năm 2016-2020, tỉnh đã cử 351 cán bộ, công chức viên chức đi đào tạo sau đại học trong nước (29 tiến sĩ, 198 thạc sĩ, 13 chuyên khoa cấp II và 111 chuyên khoa cấp I) và 28 công chức, viên chức đào tạo sau đại học ở nước ngoài (25 tiến sĩ và 03 thạc sĩ) theo các chương trình, đề án của trung ương, của tỉnh và các chương trình học bổng khác. Qua đó, góp phần bổ sung cho tỉnh những cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu nhân lực cao trong quản lý hành chính, khoa học công nghệ, y tế, giáo dục – đào tạo và giáo dục nghề nghiệp.
Với việc tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, đọi ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh phần lớn được đào tạo cơ bản đạt chuẩn theo quy định về lý luận chính trị, quản lý nhà nước; công chức lãnh đạo, quản lý, công chức các ngạch về cơ bản đã được trang bị kiến thức theo tiêu chuẩn quy định; công chức hành chính được trang bị kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ… góp phần nâng cao bản lĩnh, nhận thức, đạo đức công vụ, chất lượng thực thi chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị của tỉnh.
Về đào tạo nguồn nhân lực chung, trên địa bàn tỉnh hiện có 08 trường đại học với quy mô đào tạo hàng năm trên 30.000 sinh viên, với nhiều chuyên ngành chất lượng cao như kỹ thuật xây dựng, khoa học máy tính, kiến trúc, kỹ thuật cơ khí, tài chính - kế toán, điều dưỡng… đáp ứng nhu cầu nhân lực cho tỉnh và các vùng lân cận. Các trường đại học trên địa bàn tỉnh đã có các chương trình hợp tác với các trường đại học ở nhiều quốc gia trên thế giới, vùng lãnh thổ có nền học thuật tiên tiến như Hòa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Các hoạt động trao đổi, tọa đàm học thuật, giảng viên, sinh viên, chương trình đào tạo, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ được diễn ra thường xuyên.
Trường Đại học Việt - Đức cũng đã đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng cho các doanh nghiệp ở Bình Dương. Trường đã và đang đào tạo khoảng 3.000 sinh viên đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Đức và châu Âu. Trong đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh với hai nhóm là đào tạo sinh viên trình độ đại học, thạc sĩ và đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho nhân lực khu vực doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương, đặc biệt trường chú trọng đổi mới trang bị dạy và học, nâng cao năng lực về quản lý, tiếp cận các công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp, chế tạo.
Tại Trường Đại học Quốc tế Miền Đông cũng tổ chức giảng dạy bằng tiếng Anh một số chuyên ngành đào tạo. Trường Đại học Thủ Dầu Một đã xây dựng chương trình đào tạo đối sánh với nước ngoài, đưa vào chương trình các môn tư duy biện luận, tư duy sáng tạo, tổ chức đào tạo qua thực hành, thực tập ở các cơ sở giáo dục danh tiếng ở Đài Loan và các nước Đông Nam Á... Tương tự cùng với các trường đại học, các trường cao đẳng, trường nghề khác ở Bình Dương cũng chuyển hướng chú trọng đào tạo thực hành và kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên.
Với mô hình "đào tạo kép", giúp sinh viên có việc ngay sau khi ra trường và doanh nghiệp có nguồn nhân lực không phải đào tạo lại. Bình Dương cũng sẽ mở rộng mô hình các cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề chất lượng cao theo hướng đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội. Tỉnh cũng sẽ xem xét triển khai thực hiện các chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học trong nước và nước ngoài để thực hiện đào tạo theo cơ chế đặt hàng đối với cán bộ, công chức, viên chức và đội ngũ sinh viên mới ra trường có nguyện vọng về làm việc tại địa phương.
Bên cạnh đó, Đề án Thành phố Thông minh mà mục tiêu được xác định là phấn đấu trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, đào tạo và phát triển “giữ chân” các nhân tài khoa học kỹ thuật để đổi mới sáng tạo và tăng trưởng kinh tế. Trong đó xây dựng các trung tâm thực nghiệm, không gian sáng tạo được sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện phát triển các ý tưởng sáng tạo mới. Mục tiêu này càng được củng cố nhờ cơ sở hạ tầng giáo dục tốt của tỉnh, các chương trình đào tạo được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế trong cơ sở đào tạo và nhà trường cộng với môi trường làm việc tốt, năng động, điều này có thể giúp Bình Dương có được lực lượng lao động tài năng, chất lượng cao.
Ánh Nguyệt