Triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Dương (24/05/2022)
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với đại diện là công nghệ số và chuyển đổi số một lần nữa lại làm thay đổi ngành Bưu điện. Bưu chính, Viễn thông và CNTT trở thành Bưu chính, Viễn thông, CNTT và chuyển đổi số. Xuất hiện một khái niệm mới là hạ tầng số. Hạ tầng số là hạ tầng viễn thông băng rộng cộng với hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng Internet kết nối vạn vật, hạ tầng cung cấp công nghệ như dịch vụ, hạ tầng các nền tảng số. Hạ tầng số không chỉ là hạ tầng thông tin liên lạc mà còn là hạ tầng của nền kinh tế số. Sự chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng của nền kinh tế số là sự chuyển đổi mang tính lịch sử.
Việt Nam chúng ta là nước đi trong nhóm đầu về chuyển đổi số. Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về chuyển đổi số. Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh nội hàm chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đối số quốc gia. Đầu năm 2021, Đại hội Đảng lần thứ XIII nhấn mạnh định hướng phát triển đất nước dựa trên chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số. Giữa năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Chính phủ số. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược kinh tế số và xã hội số.
Tại địa phương, Tỉnh luôn quan tâm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, có hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành trong hoạt động của doanh nghiệp và người dân; hạ tầng CNTT được đâu tư, kết nối hoàn thiện; việc xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu đã mang lại một số kết quả thiết thực như: Chỉ số xếp hạng ứng dụng CNTT của Bình Dương 02 năm liền (2019, 2020) xếp hạng cao trong 63 tỉnh, thành phố; năm 2022, Bình Dương lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là một trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới. Việc xây dựng thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương đã được đưa vào nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 và các chương trình đột phá của tỉnh để định hướng phát triển trong thời gian tới.
Vào tháng 4/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2022 nhằm tập trung ưu tiên nguồn lực để đạt được các chỉ tiêu quan trọng thuộc các Kế hoạch chuyển đổi số, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số và đảm bảo an toàn thông tin mạng của tỉnh tạo điều kiện, cơ sở để tăng tốc chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn mới. Trong đó, giải pháp quan trọng là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kế đến là giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, ý nghĩa thực tiễn của việc chuyển đổi số trong phát triển kinh tế xã hội; giải pháp công nghệ sẽ đảm bảo việc đầu tư ứng dụng các giải pháp công nghệ xoay quanh các mục tiêu chính là hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung và cuối cùng là giải pháp về tài chính, tỉnh sẽ đảm bảo tài chính để triển khai, vận dụng linh hoạt các nguồn vốn ngân sách chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển cho các chương trình ứng dụng CNTT phục vụ duy trì, quản lý các hệ thống thông tin, đồng thời đảm bảo đầu tư, xây dựng các hệ thống mới.
Nhằm góp phần thực hiện mục tiêu “Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, là đẩy mạnh chuyển đổi số với các trụ cột chính quyền số, kinh tế số, công dân số và xã hội số để làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính quyền hiệu lực, hiệu quả, minh bạch; thay đổi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng tưởng, thay đổi cách sống, làm việc của người dân, thu hẹp khoảng cách phát triển; các ngành, lĩnh vực trọng điểm thực hiện chuyển đối số theo hướng tối ưu hóa, thông minh hóa, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Tỉnh sẽ phấn đấu đến năm 2030, 100% thủ tục hành chính công được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; tỷ trọng kinh tế số đạt 30% GRDP. Tỷ trọng kinh tế số từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt trên 20%, tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 100%, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt trên 70%. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hành hoặc tổ chức được phép khác đạt trên 95%, tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 70%, tỷ lệu dân số trưởng thành dùng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 70%...
Sau khi Nghị quyết được ban hành, tỉnh đã phổ biến đến các sở, ban, ngành, địa phương cùng triển khai với Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bình Dương năm 2022. Theo báo cáo tại Hội nghị triển khai cho thấy, để chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thành công thì người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương phải đổi mới tư duy, hành động và đóng vai trò tiên quyết trong việc thúc đẩy chuyển đổi số của ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý. Đối với mục tiêu đặt ra, Nghị quyết đã xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu của sự phát triển, là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài của các ngành, các cấp. Phải xây dựng được lộ trình thực hiện theo từng năm đặc biệt là 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Với nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu trong việc chuyển đổi số; xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy hợp tác về chuyển đổi số. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật số, đô thị thông minh đảm bảo an toàn thông tin, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số; phát triển dữ liệu, ứng dụng nền tảng số dùng chung cho toàn tỉnh nhằm khai phá dữ liệu và khai thác dữ liệu chuyên ngành; tăng cường các nhóm giải pháp phát triển kinh tế số như đẩy nhanh chuyển đổi số cho doanh nghiệp, thương mại điện tử, dịch vụ chất lượng cao; tăng cường phổ cập kỹ năng số, đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai ứng dụng VNEID nhằm thúc đẩy phát triển xã hội số, công dân số.
Bên cạnh đó, cần ưu tiên chuyển đổi số cho những nhành, lĩnh vực thiết yếu như quy hoạch đô thị, sản xuất công nghiệp, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải logistics, nông nghiệp, y tế, giáo dục, văn hóa và du lịch.
Trần Hồng Phước