Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng 2030 (30/05/2022)
Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số với các trụ cột chính quyền số, kinh tế số, công dân số và xã hội số để làm thay đổi tổng thể và toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính quyền một cách hiệu lực, hiệu quả, minh bạch; tạo động lực tăng trưởng, thu hẹp khoảng cách phát triển góp phần thực hiện mục tiêu Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Bình Dương đến năn 2025, định hướng 2030.
Về phát triển chính quyền số, Bình Dương đặt ra mục tiêu đến năm 2025, thông qua môi trường mạng có 100% hồ sơ ở cấp tỉnh, huyện, xã được xử lý; hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đạt tối thiểu 50%; 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được tổ chức tập huấn, bồi dưỡng định kỳ về chuyển đổi số; 80% thủ tục hành chính được thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn quy trình xử lý, tác nghiệp… phấn đấu đến năm 2023, hoàn thành 100% số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Đến năm 2024, hoàn thiện CSDL của tỉnh để cung cấp dịch vụ dữ liệu cho kho dữ liệu…
Đến năm 2030, 100% thủ tục hành chính công được cung cấp trực tuyến mức độ 4; hoàn thiện nền tảng dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng IoT, kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước; tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doan nghiệp.
Về phát triển kinh tế số, đến năm 2025 chiếm 20% GRDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực, thương mại điện tử trong mức bán lẻ đạt tối thiểu 10%; tỷ lệ không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt từ 50% trở lên. Tập trung chuyển đổi số trong các ngành dịch vụ chất lượng cao, nông nghiệp công nghệ cao, logistic để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh hiện đại.
Đến năm 2030, đạt 30%GRDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực, thương mại điện tử trong mức bán lẻ đạt tối thiểu 20%; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng nền tảng hợp đồng điện tử đạt 100%, doanh nghiệp nhỏ và vừa là 70%.
Về phát triển xã hội số, tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%, sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 50%, dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đặt trên 30%... tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 70%.
Đến năm 2030, tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 95%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 70%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 80%... tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ công trực tuyến đạt 70%; tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện được mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở đạt 95%.
Hoàng Anh