Tỉnh Bình Dương: Huy động mọi nguồn lực để thực hiện chiến lược đột phá (07/06/2022)
Trước tình hình khu vực và trên thế giới liên tục diễn biến phức tạp, trong nước phải đối phó với thiên tai, dịch bệnh, điều đó đã tác động, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, Tỉnh ủy Bình Dương đã chủ động, kịp thời đề ra một số chương trình đột phá chiến lược, trong đó phải kể đến Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 16-8-2016, “về huy động và phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương” và Chương trình số 34-CTr/TU, ngày 16-12-2016 “về đổi mới thu hút đầu tư giai đoạn 2016 - 2020” (gọi tắt là Chương trình số 23 và 34) với những nội dung đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương trước yêu cầu mới. Nhờ đó, tỉnh Bình Dương trở thành môi trường hấp dẫn, vùng đất giàu tiềm năng trong mắt các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, với quan điểm luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển nên công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, do đó từ năm 2015 đến năm 2020, tỉnh Bình Dương đã thu hút được 252,96 nghìn tỷ đồng, trong đó có 25.801 doanh nghiệp đăng ký mới với số vốn 149,23 nghìn tỷ đồng và 4.558 doanh nghiệp bổ sung vốn với số vốn 103,73 nghìn tỷ đồng. Đối với đầu tư nước ngoài, đã thu hút được 11,51 tỷ đô la Mỹ, trong đó có 1.004 dự án mới với số vốn 5,9 tỷ đô la Mỹ và 615 dự án tăng vốn với số vốn 3,6 tỷ đô la Mỹ; thu hút vào các khu công nghiệp khoảng 81,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực đến nay là 3.865 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 34,93 tỷ đô la Mỹ.
Song song với chủ trương thu hút đầu tư, thì việc phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội luôn được tỉnh Bình Dương đặc biệt quan tâm. Để hiện thực hóa chủ trương này, Tỉnh ủy Bình Dương xác định hạ tầng giao thông vận tải phải đi trước một bước để tháo gỡ những điểm nghẽn, do đó đã huy động tối đa mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng phát triển đồng bộ, hiện đại, nhất là những công trình mang tính động lực,… Nhằm đảm bảo các tuyến đường kết nối từ trung tâm đô thị của tỉnh với thành phố mới Bình Dương, đấu nối hướng ngoại của thành phố mới Bình Dương đến các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; gắn kết và khai thác tối đa lợi thế từ hệ thống kết cấu hạ tầng nhất là giao thông của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; từng bước xây dựng hệ thống giao thông đường sông gắn với hạ tầng logictics.
Điểm đáng ghi nhận khi thực hiện các Chương trình số 23 và 34, tỉnh Bình Dương đã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cung cấp điện, thủy lợi, cấp thoát nước và xử lý chất thải; hạ tầng đô thị, nông thôn; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đặc biệt, việc nâng cấp, mở rộng và làm mới các tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 13, đường Mỹ Phước - Tân Vạn là đòi hỏi khách quan, đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh đó, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế các huyện thuần nông, mặt khác thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng nông thôn, tỉnh Bình Dương đã quyết định chọn huyện Bàu Bàng để thực hiện chủ trương đưa công nghiệp về phía bắc của tỉnh với lợi thế quốc lộ 13 kết nối xuyên suốt. Trong đó, có thể kể đến việc tỉnh đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp khoa học công nghệ tại huyện Bàu Bàng với mục tiêu phát triển bền vững trước yêu cầu mới, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Dự án khu công nghiệp khoa học công nghệ có diện tích 900 héc-ta do Becamex IDC đầu tư là một trong những dự án trọng điểm của Đề án thành phố thông minh Bình Dương, có hợp tác chặt chẽ giữa tỉnh Bình Dương và Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới WTA, dự án này học tập mô hình của thành phố Daejeon (Hàn Quốc), Eindhoven (Hà Lan), Singapo và nhiều thành phố khoa học khác trên thế giới… giúp Bình Dương có một nền tảng vững chắc về khoa học, làm chủ và tạo ra các công cụ sản xuất mới dựa trên khoa học kỹ thuật, chuẩn bị đón đầu các thách thức và cơ hội mới trong kỷ nguyên số.
Những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn
Xuất phát từ những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện của tỉnh Bình Dương trong việc huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đề ra, TS. Nguyễn Thế Tài, Học viện hành chính quốc gia và TS. Trương Đức Thuận, Tạp chí cộng sản cũng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm quý và trình bày tham luận tại hội thảo khoa học tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ như sau:
- Điều kiện tiên quyết là sự thống nhất trong chỉ đạo và điều hành, trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể trong Đảng bộ; vận dụng linh hoạt đường lối, chủ trương của Trung ương vào tình hình thực tế của địa phương để đạt kết quả tốt trên nhiều lĩnh vực.
- Công tác quy hoạch phải đảm bảo tính kế thừa và luôn đổi mới, linh hoạt phù hợp với chính sách, pháp luật, đảm bảo yêu cầu phát triển qua từng thời kỳ. Công tác quản lý, triển khai thực hiện cần bám sát quy hoạch, qua đó khai thác, sử dụng các nguồn lực đầu tư một cách có hiệu quả cao nhất.
- Phải xây dựng được mô hình phát triển phù hợp gắn với sự tham gia hiệu quả của một số doanh nghiệp chủ lực địa phương có nguồn lực và tâm huyết, cùng với nhà nước thực thi các ý tưởng phát triển hệ thống hạ tầng mang tính “đón đầu xu hướng”, đặc biệt là đầu tư các trục giao thông tạo lực, khu công nghiệp phức hợp hiện đại, mô hình đô thị
- Nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền gắn với kết quả tổ chức triển khai thực hiện ở địa phương trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất “sạch” đáp ứng yêu cầu huy động các nguồn lực với nhiều phương thức phù hợp tham gia phát triển kết cấu hạ tầng.
- Sử dụng hợp lý, linh hoạt các nguồn lực trong và ngoài ngân sách để đầu tư đúng định hướng, đúng mục tiêu, tạo đòn bẩy góp phần phát huy lợi thế so sánh của tỉnh, tăng cường hợp tác, liên kết vùng, thúc đẩy hội nhập quốc tế. Các cơ quan chức năng chủ động trong kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng để khai thác tốt nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, tạo giá trị gia tăng mới cho kinh tế địa phương.
Cần quan tâm tạo cơ chế để huy động nguồn lực phát triển bền vững
Trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là sự cạnh tranh ngày càng cao trong khu vực, hạ tầng kết nối đến các đầu mối giao thông, giao thương quốc tế còn nhiều điểm nghẽn, quỹ đất phát triển công nghiệp của tỉnh Bình Dương không còn nhiều, việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu ổn định và chủ động, những mô hình kinh tế hiện nay nếu chậm đổi mới sẽ không thể phát triển ổn định, bền vững… Đặc biệt, mục tiêu hiện nay của tỉnh Bình Dương đang nỗ lực triển khai hiệu quả “mục tiêu kép”, trong đó ưu tiên hàng đầu cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, đồng thời phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội... Để tháo gỡ những khó khăn và huy động hiệu quả hơn nữa các nguồn lực nhằm đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội của tỉnh trước yêu cầu mới, theo TS. Nguyễn Thế Tài và TS. Trương Đức Thuận, tỉnh Bình Dương cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, chú trọng xây dựng giải pháp chỉ đạo, nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền các đơn vị chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công, công trình trọng điểm và các dự án đền bù, giải phóng mặt bằng. Tăng cường công tác giám sát đầu tư, kiểm tra, thanh tra, phòng chống tham nhũng; nâng cao hiệu quả đầu tư từ ngân sách và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm.
Hai là, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện đồng thời điều chỉnh danh mục các dự án trọng điểm phù hợp với điều kiện triển khai thực tế. Bởi vì, một số dự án chia tách, chuyển đổi nguồn vốn hoặc do nhà đầu tư đề nghị ngưng thực hiện, đồng thời bổ sung một số dự án trọng điểm phù hợp với giai đoạn đầu tư mới.
Ba là, tiếp tục nghiên cứu, triển khai, kịp thời kiến nghị cấp thẩm quyền hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, xã hội hóa. Tập trung rà soát chuyển các dự án có lợi thế, có khả năng tạo nguồn thu sang đầu tư theo hình thức xã hội hóa và đối tác công tư; huy động hiệu quả các nguồn vốn đầu tư các công trình phúc lợi công cộng theo chính sách xã hội hóa đã được ban hành đáp ứng các yêu cầu phát triển và an sinh xã hội, giảm bớt áp lực đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Bốn là, rà soát, kiến nghị điều chỉnh các cơ chế, chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, rút ngắn thời gian quy trình giải tỏa đền bù; chú trọng chính sách có liên quan đến dạy nghề, tạo việc làm ổn định cho người dân sau khi bị thu hồi đất. Tăng cường học tập các mô hình, phương pháp hay trong vận động, giải thích, thuyết phục, tạo sự đồng thuận của nhân dân ủng hộ chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước.
Năm là, tạo cơ chế thuận lợi cho các nguồn lực khác cùng với ngân sách tỉnh và các địa phương trong vùng triển khai
Sáu là, tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình, các dự án đang phát huy hiệu quả của tỉnh. Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị; các khu dân cư đô thị phức hợp chất lượng cao; xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đáp ứng yêu cầu đô thị hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch của tỉnh; rà soát quy hoạch các cụm công nghiệp hiện có và phát triển một số cụm công nghiệp mới trong đó dành một phần diện tích để đáp ứng yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp trong nước; hoàn thiện các chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Bảy là, nghiên cứu xây dựng mô hình mới tạo tiền đề chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng trong thời kỳ 2021 - 2025 và sau 2025. Trước mắt, cần tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh; nghiên cứu hình thành khu công nghiệp - đô thị khoa học công nghệ; xây dựng khu phức hợp Trung tâm thương mại thế giới (công trình tạo lực của thành phố mới Bình Dương), huy động các nguồn lực xây dựng các hạ tầng phục vụ cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo: Living labs, Tech labs, Fab labs, EIC, R&D, STEM... làm tiền để đổi mới thu hút đầu tư, nâng cao giá trị gia tăng và quy mô kinh tế của tỉnh.
Tám là, tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án, tạo hiệu ứng lan tỏa, có tác động tích cực tới việc thu hút các nhà đầu tư mới vào những lĩnh vực, địa bàn ưu tiên. Cùng với đó, chú trọng đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề… đảm bảo phát triển bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong toàn tỉnh Bình Dương trong giai đoạn mới.
Ngọc Dung