Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn (07/06/2022)
Du lịch là một ngành dịch vụ sử dụng nhiều lao động, tận dụng được nhiều nguồn lực sẵn có của tự nhiên, xã hội, đặc biệt là mang lại giá trị lớn và không ngừng phát triển. Nhiều địa phương trên cả nước đã dựa vào du lịch để phát triển, nâng cao đời sống của người dân.
Bình Dương là một địa phương năm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối thuận lợi với nhiều đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trong khu vực. Cho nên, các điểm vui chơi, giải trí và du lịch của tỉnh Bình Dương đang dần được nhiều người quan tâm, lựa chọn. Có thể kể một số điểm đến tại Bình Dương như: hệ thống vườn cây ăn trái Lái Thiêu ven sông Sài Gòn. Các cù lao Bạch Đằng, Thạnh Hội trên sông Đồng Nai gắn với các sản phẩm nông nghiệp như bưởi, rau. Các làng nghề đặc biệt như: Làng mây tre đan Tân Uyên, làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng gốm sứ Lái Thiêu, Tân Phước Khánh, làng guốc mộc Thuận An, làng nhang Dĩ An, làng mộc, chạm khắc gỗ Chánh Nghĩa, Phú Thọ… bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 13 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và 41 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh đã được công nhận. Tiềm năng này có thể tạo ra các sản phẩm: Du lịch trải nghiệm, du lịch giáo dục, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh - văn hóa…
Trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, Bình Dương dân dần định hình được tiềm năng và lợi thế của ngành du lịch địa phương. Ngành du lịch cũng đã có những đóng góp tích cực vào GRDP của tỉnh. Vì vậy trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Dương đến năm 2025, tỉnh đã xác định Phát triển di lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, quan tâm đầu tư các loại hình du lịch công nghiệp, du lịch đường sông, du lịch tham quan làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái, tâm linh, du lịch MICE… nhằm phát huy tiềm năng và lợi thế để thu hút khách du lịch đến Bình Dương.
Trong giai đoạn 2017-2021, lượt khách có sự tăng trưởng qua từng năm. Năm 2016 đón 4.390.000 lượt, đến năm 2019 có 5.150.000 lượt; đối với năm 2020-2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên lượt khách giảm đáng kể so với kế hoạch. Về doanh thu, năm 2016 doanh thu đạt 1.200 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt 1.440 tỷ đồng, năm 2020 chỉ đạt 615 tỷ đồng và năm 2021 đạt 500 tỷ đồng.
Quyết tâm của tỉnh Bình Dương
Vào ngày 24/11/2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3242/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình số 24-CTr/TU của Tỉnh ủy Bình Dơng về tiếp tục phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020.
Nhằm cụ thể hóa nội dung Kế hoạch số 33-KH/TU ngày 26/6/2017 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5822/KH-UBND ngày 21/12/2017 xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm tổ chức thực hiện, trong đó xác định 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.
Tiếp đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản triển khai như: Kế hoạch số 4352/KH-UBND ngày 21/8/2019 về phát triển tuyến du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; Quyết định số 653/QĐ-UBND ngày 11/3/2020 phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình hiệp kết hợp với du lịch thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một; Quyết định số 2498/QĐ-UBND ngày 31/8/2020 phê duyệt dự án Phát triển vườn cây ăn quả gắn với du lịch sinh thái vùng phía Nam tỉnh Bình Dương; Kế hoạch số 5165/KH-UBND ngày 21/10/2020 về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đến ngày 09/12/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2823/QĐ-UBND phê duyệt “Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2025 định hướng đến năm 2030”… trên cơ sở đó, các huyện, thị xã và thành phố đã ban hành kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện và tình hình phát triển du lịch của địa phương; các sở, ban, ngành theo chức năng thực hiện nhiệm vụ được giao đều có kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, tập trung các nhóm công tác như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, đầu tư hạ tầng, quy hoạch định hướng phát triển du lịch, phát triển sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường du lịch…
Công tác triển khai và giải pháp thực hiện trong thời gian tới
Ngành du lịch tuy có sự đóng góp nhưng chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Trong đó, đóng góp của doanh thu du lịch vào nền kinh tế của tỉnh còn thấp, mặc dù doanh thu du lịch có sự tăng trưởng qua từng năm nhưng tỷ lệ đóng góp của doanh thu du lịch vào GDP của tỉnh giảm, cụ thể: năm 2011 tỷ lệ đóng góp của doanh thu du lịch vào GDP của tỉnh là 1,32% đến năm 2015 tỷ lệ đóng góp là 0,64% nhứng đến năm 2019 tỷ lệ đóng góp chỉ chiếm 0,57%.
Khát vọng của Bình Dương về phát triển du lịch bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để đánh thức tiềm năng và hiện thực hóa khát vọng, một số nhiệm vụ và giải pháp cần triển khai trong thời gian tới như sau:
Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch: với mục tiêu nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch, bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động… đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao, có tính nhân văn sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển.
Phát triển các sản phẩm du lịch: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí, du lịch tham quan làng nghề truyền thống, du lịch thể thao, du lịch tâm linh, nhà hàng, ăn uống, mua sắm…
Hoàn thiện thể chế, chính sách; thực hiện công tác lập quy hoạch, đề án, kế hoạch và thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch, đào tạo, bôi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo môi trường du lịch, an ninh trật tự và an toàn cho du khách.
Bên cạnh đó, Bình Dương cần tiếp tục liên kết để phát triển du lịch dựa trên tiềm năng, thế mạnh về tổ chức và vận hành sản phẩm của các địa phương, các công ty du lịch ngoài tỉnh; tạo các sản phẩm du lịch chất lượng, độc đáo để thu hút khách du lịch, như sản phẩm du lịch công nghiệp là một hướng đi hợp lý, các cơ quan quản lý cần chủ động tạo sự liên kết, kết nối các tour, các tuyến tham quan nhà máy, công ty, cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp với các khu, điểm du lịch, các đơn vị dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh nhắm giới thiệu đông đảo đến du khách…
Tiềm năng và lợi thế của Bình Dương về du lịch rất lớn. Khai thác các tiềm năng và lợi thế đó để thúc đẩy ngành du lịch tỉnh nhà phát triển. Du lịch Bình Dương trong tương lai chắc chắn sẽ trở thành một thương hiệu ấn tượng trong lòng du khách trong và ngoài nước.
Trần Hồng Phước