Đẩy mạnh đầu tư, phát triển hệ thống dịch vụ logistics đầy tiềm năng và bền vững (22/07/2022)
Theo Luật Thương mại 2005, khái niệm dịch vụ logistics lần đầu tiên được đưa ra như sau: “Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao”
Theo điều 3, Nghị định số 163/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2017, các lĩnh vực kinh doanh thuộc phạm trù dịch vụ logistics bao gồm: Dịch vụ xếp dỡ container, trừ dịch vụ cung cấp tại các sân bay; dịch vụ kho bãi container thuộc dịch vụ hỗ trợ vận tải biển; dịch vụ kho bãi thuộc dịch vụ hỗ trợ mọi phương thức vận tải; dịch vụ chuyển phát; dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa; dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan); Dịch vụ hỗ trợ bán buôn, hỗ trợ bán lẻ bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa và giao hàng; dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển; dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa; dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt; dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ; dịch vụ vận tải hàng không; dịch vụ vận tải đa phương thức; dịch vụ phân tích và kiểm định kỹ thuật; các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác; các dịch vụ khác do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics và khách hàng thỏa thuận phù hợp với nguyên tắc cơ bản của Luật Thương mại.
Theo danh mục này, dịch vụ logistics ở Việt Nam có thể chia thành 04 nhóm lớn: (1) Dịch vụ kho bãi và bốc xếp hàng hóa;(2) Dịch vụ vận tải;(3) Dịch vụ giao nhận, bao gồm đại lý vận tải và thông quan;(4) Dịch vụ hỗ trợ khác.
Tính đến năm 2019, giá trị logistics toàn cầu liên tục tăng trưởng. Cùng với sự tăng trưởng của thương mại toàn cầu, logistics phục vụ xuất nhập khẩu tăng nhanh. Cơ sở hạ tầng ngành logistics trên thế giới ngày càng hiện đại. Tuy nhiên thực trạng này mới chỉ đang diễn ra rõ rệt tại các nước phát triển.
Theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đến tháng 6 năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã hình thành hệ thống các trung tâm dịch vụ logistics tương đối hoàn chỉnh, cung cấp dịch vụ logistics đạt mức độ 3PL và 4PL, kể cả cung cấp dịch vụ trọn gói: phân phối hàng hóa, trung chuyển container, thông quan hàng hóa nội địa, xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa, kho ngoại quan,… Một số trung tâm logistics tiêu biểu như sau: ICD Sóng Thần; Trung tâm logistics Dĩ An; Trung tâm kho YCH – Protrade. Ngoài ra, một số trung tâm logistics tiêu biểu cung cấp các dịch vụ logistics tại Bình Dương như: Công ty TNHH Mapletree Logistics (Singapore); Công ty Cổ Phần Giao Nhận Vận Tải U&I; Công ty TNHH Schenker - Gemadept Logistics Việt Nam; Công ty TNHH Kerry Interrated Logistics Việt Nam...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có hệ thống cảng thủy nội địa đang khai thác vận chuyển hàng hóa là cảng An Sơn; cảng Bà Lụa, cảng Thế Giới Nhà, cảng Thạnh Phước, cảng Bình Dương; các bến thủy nội địa chuyển thành cảng thủy nội địa và các cảng được quy hoạch trong giai đoạn làm thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, hệ thống giao thông đường thủy hiện nay chưa khai thác được hết tiềm năng của các cảng sông do những hạn chế về điều kiện tư nhiên như: đá ngầm trên sông Đồng Nai và tĩnh không của Cầu Ghềnh và Cầu Bình Lợi nên chưa khai thác dịch vụ vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hệ thống logistics có tác dụng như một chiếc cầu nối trong chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất đến các thị trường tiêu thụ. Nền kinh tế chỉ có thể phát triển đồng bộ và thông suốt nếu chuỗi logistics hoạt động liên tục. Vì vậy, logistics trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy dòng chảy của các giao dịch kinh tế đối với hầu hết các hàng hóa và dịch vụ. Nếu hệ thống logistics hoạt động suôn sẻ thì sẽ khuyến khích sự phát triển của ngành sản xuất, thương mại và ngược lại sẽ là nhân tố tác động tiêu cực đến toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh, và kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế.
Hiện nay, Bình Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất của cả nước (82%) với 3 thành phố và 2 thị xã; sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Các khu công nghiệp của tỉnh Bình Dương chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp phía Nam, đây cũng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Hiện các khu công nghiệp đã thu hút 2.965 dự án, bao gồm 2.309 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24,3 tỷ USD và 656 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 76.608 tỷ đồng (Bộ xây dựng, 2021). Chính những điều đó đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics Bình Dương phát triển khá nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng. Hệ thống kho, bãi, phương tiện vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Nắm bắt được tầm quan trọng của việc có một cơ sở hạ tầng logistics đồng bộ, trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã tận dụng tốt các lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, và đầy tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại, cộng với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy Bình Dương vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp. Hệ thống kho, bãi, phương tiên vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp. Các dịch vụ cung cấp khá đa dạng và hiện đại như: dịch vụ vận tải hàng hóa; cho thuê kho, bãi; xếp dỡ hàng hóa; đóng gói bao bì và phân phối sản phẩm; khai thác cảng sông, cảng cạn (ICD); dịch vụ khai báo hải quan; … cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp trong tỉnh.
Bên canh đó, Cục Hải quan Bình Dương cũng đã triển khai hiệu quả trong toàn ngành hệ thống thông quan điện tử tập trung, cơ chế một cửa quốc gia VNACCS/VCIS; thực hiện chữ ký số cho các doanh nghiệp làm thủ tục hải quan trên địa bàn tỉnh; triển khai 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (06 dịch vụ công mức độ 4 và 31 dịch vụ công mức độ 3); triển khai máy soi container di động tại các Chi cục có hàng hóa container;... nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc khai báo hải quan và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Qua đó, đã tạo ra hành lang pháp lý đơn giản, hiệu quả và minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics hoạt động hiệu quả, tiết kiệm được thời gian và chi phí, đồng thời góp phần thu hút được nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu từ các địa phương khác Bình Dương.
Để phát triển công nghiệp bền vững, tạo bước đột phá sản xuất, hạ tầng và dịch vụ logistics mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái công nghiệp; và để phát triển bền vững Bình Dương cần triển khai xây dựng hệ thống logistics gắn liền với liên kết vùng và hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, nghiên cứu chiến lược phát triển phát triển bền vững hệ thống logistics, tỉnh Bình Dương sẽ chú trọng đến các yếu tố ảnh hưởng từ cuộc cách mạng nghiệp 4.0 như phát triển logistics gắn liền với phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghiệp trong thời gian tới.
Ngọc Dung