Kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại công ty Unifarm (22/07/2022)
Công ty Cổ phần nông nghiệp U7I (Unifarm) bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái vào năm 2009. Sau hơn mười hai năm hoạt động, Unifarm đã phủ xanh toàn bộ diện tích Khu Nông nghiệp An Thái với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, có thị trường phù hợp và có khả năng nhân rộng cho người nông dân, cụ thể là mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính công nghệ Israel điều khiển tự động bằng máy tính theo tiêu chuẩn Global GAP cho doanh thu hơn 2 tỷ/ha/năm, hay mô hình trồng chuối già hương xuất khẩu đi hàn Quốc, Nhật Bản cho doanh thu từ 500 triệu/ha/năm. Sau Khu Nông nghiệp An Thái, Unifarm đã mở rộng sang một dự án trồng chuối xuất khai khác có quy mô hơn 1.300ha tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Unifarm cũng đã và đang tư vấn, chuyển giao công nghệ, liên kết bao tiêu cho nhiều đối tượng khác, từ những nông dân sản xuất trên quy mô nhỏ đến những công ty lớn với quy mô trang trại đến vài ngàn ha tại Việt Nam.
Tại Hội thảo khoa học “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Sức bật của nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Bình Dương”, Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch U&I Group đã có những chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cũng như những thành công bước đầu của Unifarm, tôi xin tóm lược như sau:
- Xác định sản phẩm đúng nhu cầu thị trường: Trong quá trình chuẩn bị triển khai, Unifarm đã tổ chức khảo sát cả trong nước và quốc tế để nắm rõ nhu cầu của thị trường về các loại nông sản, từ đó cân nhắc khả năng sản xuất và cung ứng của mình theo mức chất lượng và giá cả thị trường có thể chấp nhận trong tương quan cạnh canh với các công ty nông nghiệp lớn khác trên thế giới. Do vậy mà các sản phẩm mang thương hiệu Unifarm đã được thị trường trong nước và quóc tế đón nhận và càng ngày càng trở nên phổ biến. Trong đó:
+ Với thị trường trong nước: các sản phẩm dưa lưới và chuối của Unifarm đang có mặt tại tất cả hệ thống bán lẻ trong nước. đặc biệt là dưa lưới do Unifarm trồng đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2010 đã góp phần đánh bật dưa lưới Trung Quốc ra khỏi thị trường Việt Nam, góp phần khẳng định giá trị của nông sản Việt Nam tại sân nhà.
+ Với thị trường xuất khẩu: Unifarm là công ty nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu được dưa lưới sang Singapore từ năm 2018. Các sản phẩm chuối của Unifarm cũng được xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Hàn Quốc và Nhật bản có giá ngang bằng với chuối nhập từ các quốc gia có truyền thống trồng chuối lâu đời như Ecuador và Philippines.
- Định hướng chất lượng quốc tế: Ngay từ những ngày hoạt động đầu tiên, Unifarm đã định hướng và kiên trì theo đuổi việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap cho tất cả sản phẩm của mình với khẩu hiệu “Safe Foods For Life”, nghĩa là “Thực phẩm An toàn cho Cuộc sống”. Unifarm chi áp dụng một tiêu chuẩn duy nhất là tiêu chuẩn phổ biến nhất của quốc tế, dù sản phẩm được tiêu thị ở đâu. Chính vì vậy mà sản phẩm của Unifarm và các đối tác liên kết với Unifarm đều được đón nhận tại các quốc gia khó tính.
- Xây dựng nguồn nhân lực phù hợp cho nông nghiệp công nghệ cao: Unifarm xác định nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một lĩnh vực còn mới tại Việt Nam. Do vậy, để thành công thì phải có đủ người giỏi và tâm huyết. Ngoài việc mời được chuyên gia có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao chuyên sản xuất rau cung ứng cho thị trường Châu Âu, Unifarm còn cộng tác với nhiều chuyên gia giỏi khác từ Nhật Bản, Đài Loan, Philippines và các chuyên gia trong nước phụ trách những lĩnh vực chuyên môn cụ thể tại Unifarm và kiêm luôn việc đào tạo cho các kỹ sư trẻ Việt Nam. Nhờ việc thu hút người tài đến làm việc, đến nay Unifarm đã có một đội ngũ cán bộ kỹ thuật người Việt có năng lực cao, tiếp cận được với trình độ thế giới và có tâm huyết phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam, hiện toàn bộ vấn đề kỹ thuật tại các trang trại của Unifarm cũng như chuyển giao công nghệ ra bên ngoài đều do đội ngũ “thế hệ mới” này đảm nhiệm. Bên cạnh đó, Unifarm còn hợp tác liên kết đào tạo các chương trình trung và sơ cấp chuyên ngành nông nghiệp công nghệ cao, lấy trọng tâm là kỹ thuật canh tác, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản dưa lưới và chuối của Unifarm. Các giảng viên của Trường dạy về lý thuyết và các chuyên gia của Unifarm đào tạo về thực hành. Học viên khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng hoặc chứng chủ chính quy về nông nghiệp công nghệ cao, có thể làm việc với Unifarm hoặc bất kỳ nơi nào.
- Chọn lựa công nghệ và kỹ thuật phù hợp: Từ việc đúng nhu cầu của thị trường và tiêu chuẩn chất lượng cần có, với lực lượng nhân sự đúng tầm, Unifarm có thể xác định các công nghệ và kỹ thuật phù hợp để áp dụng vào các dự án của mình, cho tùng loại cây trồng. Unifarm cũng mạnh dạn bỏ qua yếu tố trình diễn mà chú trọng vào yếu tố hiệu quả, đo bằng năng suất, chất lượng và giá thành hợp lý. Đối với những loại cây trồng khó tính như dưa lưới, Unifarm áp dụng công nghệ trồng trong nhà kính để đảm bảo chất lượng và năng suất, đồng thời có thể trồng quanh năm. Đối với những loại câu trồng đã thích nghi với khí hậu ở Việt Nam, như cây chuối già hương, Unifarm trang bj công nghệ tưới và bón phân tự động điều khiển bằng máy tính nhằm tiết kiệm nước, phân bón và công lao động. Bên cạnh đó, Unifarm cũng đã đầu tư vào lĩnh vực công nghệ sinh học với công ty giống riêng của mình nhằm nghiên cứu, chọn lọc và phổ biến được giống chuối có khả năng chống chịu bệnh Panama vốn đang gây hại các cánh đồng chuối khắp nơi trên thế giới.
- Chuyển giao công nghệ và liên kết với nông dân: Unifarm xác định đầu tư vào nông nghiệp không phải để cạnh tranh hay thay thế vai trò của nông dân mà là hợp tác để nông dân có thể sản xuất như Unifarm, đồng thời có thể khai thác hiệu quả những nền tảng về thị trường và chuỗi cung ứng của Unifarm. Từ chuyển giao công nghệ của Unifarm, đến nay đã có nhiều công ty, trang trại và nông hộ vươn lên trở thành những đơn vị uy tín trong ngành, mà trang trại chuối của anh Út Huy ở Long An, người được truyền thông gọi là “vua chuối” là một điển hình.
Dương Tuấn