Nông nghiệp hữu cơ và nhu cầu sử dụng thực phẩm hữu cơ (13/07/2017)
Nông nghiêp hữu cơ hay còn gọi canh tác hữu cơ là một hệ thống nông nghiệp luân canh có nguồn gốc từ thế kỷ 20 ra đời trong sự thay đổi nhanh chóng các hệ thống canh tác trên thế giới. Nông nghiệp hữu cơ liên tục được phát triển bởi tổ chức Nông nghiệp hữu cơ khác nhau cho đến ngày hôm nay. Canh tác này chủ yếu dựa vào phân bón có nguồn gốc hữu cơ như phân từ gia súc gia cầm, phân xanh, phân trộn, bột xương, … tăng độ phì cho đất bằng nhóm cây trồng có tác dụng cải tạo đất. Nhấn mạnh vào các kỹ thuật luân canh giống cây trồng, kiểm soát dịch hại sinh học, sử dụng xen canh cây trồng khắc chế dịch hại hoặc khuyến khích sự tồn tại động vật là thiên địch của sâu bệnh dịch hại. (vi.wikipedia).
Ngày nay, khi vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường đặc biệt được chú trọng thì nông nghiệp hữu cơ ngày càng phát triển ở nhiều quốc gia, nhất là các nước phát triển, trong đó có Việt Nam. Trong năm 2014, Châu Á là khu vực có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ lớn nhất với 3,57 triệu ha, nhưng tăng giảm thất thường, dẫn đầu là Trung Quốc gần 2 triệu ha, kế đến là Ấn Độ 720 ngàn ha, Việt Nam đứng thứ 7 với 43,01 ngàn ha trong đó có 220 ha trồng cây lương thực và 151 ha trồng rau. Các loại cây trồng được canh tác theo nông nghiệp hữu cơ phần nhiều là cây lương thực, các loại hạt có dầu, bông vải, dừa,…
Đặc điểm cơ bản của nông nghiệp hữu cơ là: Cung cấp các chất dinh dưỡng một cách gián tiếp từ các hợp chất khó sử dụng/khó tan nhờ tác động của vi sinh vật hoặc các chất dinh dưỡng từ đất, khoáng, phù sa..; đạm được cung cấp nhờ cây bộ đậu thông qua quá trình cố định đạm và phân giải chất hữu cơ; phòng trừ cỏ dại, sâu bệnh chủ yếu nhờ luân canh cây trồng, thiên địch, thuốc BVTV sinh học và giống kháng; bảo tồn thế giới tự nhiên; cốt lõi của nông nghiệp hữu cơ là đảm bảo tính bền vững của cả hệ thống.
Vì sao canh tác nông nghiệp hữu cơ? Khi đất trồng trở nên cằn cỗi, phải cần nhiều phân bón hóa học, sâu bệnh ngày càng khó kiểm soát… giải pháp tối ưu nhất hiện nay là canh tác theo nông nghiệp hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ giúp bảo vệ môi trường, đảm bảo nguồn nước, làm cho đất màu mỡ hơn. Canh tác theo nông nghiệp hữu cơ có thể kiểm soát được sâu và bệnh mà không ảnh hưởng đến con người hoặc cuộc sống tự nhiên hoang dã. Đồng thời, sản xuất ra những thữ phẩm dinh dưỡng, thức ăn gia súc và lượng chất lượng và có giá trị kinh tế cao.
Theo đánh giá của các chuyên gia dinh dưỡng với quy trình sản xuất nghiêm ngặt, tiêu chuẩn thực phẩm hữu cơ được xem là tiêu chuẩn chất lượng cao cấp nhất hiện nay. Nhờ được chăm sóc, nuôi trồng trong môi trường hoàn toàn tự nhiên, hoàn toàn không có sự tác động của hóa chất, thuốc kháng sinh, hormone tăng trưởng… thực phẩm hữu cơ chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hoá, vitamin cùng nhiều dưỡng chất tự nhiên tốt cho sức khỏe. Tuy mới bắt đầu xuất hiện trên thị trường, thực phẩm hữu cơ đang dần chiếm được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng tại Việt Nam. Ban đầu, thực phẩm hữu cơ phổ biến được tiêu thụ là hoa quả và rau củ, nhưng hiện nay, người tiêu dùng đã thường xuyên lui tới các kệ hàng đồ gia vị, cá và sản phẩm từ sữa. Thực phẩm hữu cơ ngày nay được người tiêu dùng lựa chọn cũng là nhờ các nhà bán lẻ cung cấp những sản phẩm có chất lượng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ độc lập và các công ty giao hàng tận nhà đã thúc đẩy tiêu thụ dòng sản phẩm này.
Trần Phước (tổng hợp)