Bình Dương hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại (25/08/2022)
Dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số đã trở thành nhu cầu, đòi hỏi tất yếu trong phát triển. Những năm qua, tỉnh Bình Dương đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính; đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp đã triển khai đồng bộ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đưa kinh tế - xã hội của Bình Dương ngày càng phát triển hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.
Theo đó, vào năm 2021 tỉnh đã ban hành kế hoạch Chương trình chuyển đổi số của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ xây dựng thành phố thông minh Bình Dương; quyết định ban hành kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Bình Dương, phiên bản 2.0. Các hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan hành chính các cấp được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin, bảo đảm điều kiện kỹ thuật, cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Thực hiện nhiều chiến lược đột phá về chuyển đổi số, những năm qua tỉnh Bình Dương đã triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả nhiều lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển. Trong đó, hạ tầng viễn thông liên tục được các doanh nghiệp viễn thông đầu tư, phát triển theo hướng hiện đại. Hạ tầng kỹ thuật CNTT phục vụ ứng dụng CNTT tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp đồng bộ, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thông tin, đảm bảo điều kiện kỹ thuật cung cấp các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Công tác đảm bảo an toàn thông tin trong các cơ quan, đơn vị tiếp tục được duy trì ổn định trên mô hình đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống thông tin 4 lớp; triển khai Trung tâm Giám sát An toàn thông tin (SOC - Security Operations Center) dưới hình thức thử nghiệm (POC - Proof of Concept). Cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung được quản lý tập trung thuận lợi cho việc kết nối trục của tỉnh (LGSP - Local Government Service Platform) với trục quốc gia (NGSP - National Government Service Platform).
Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đơn vị, liên thông bốn cấp, có tích hợp ký số. Hệ thống đường dây nóng 1022 đã đi vào hoạt động và đạt được hiệu quả tích cực. Một số hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng tác nghiệp chuyên ngành đã được các cơ quan nhà nước triển khai phục vụ công tác tin học hóa nghiệp vụ.
Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp “làm quen” với nền tảng số
Với mục tiêu hướng tới một chính quyền hoạt động linh hoạt, hiệu quả và có tính chuyên nghiệp cao, tỉnh Bình Dương đã và đang tập trung nhiều nguồn lực cho việc triển khai xây dựng Chính quyền điện tử và cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành và từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới xây dựng đô thị thông minh Bình Dương.
Xác định cải cách hành chính là chìa khóa quan trọng để mở cửa thu hút đầu tư, thời gian qua, nhiều giải pháp cải cách hành chính đã được tỉnh triển khai; xây dựng và công khai quy trình xử lý công việc ở tất cả các cơ quan, đơn vị để người dân, doanh nghiệp có thể kiểm soát tiến độ thực hiện các thủ tục, vướng mắc và trách nhiệm của người thụ lý. Công khai trên trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành các tài liệu liên quan công tác quy hoạch, kế hoạch của của tỉnh...
Để hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, xây dựng hệ sinh thái đối tác thông qua các hoạt động, phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ được sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số trên một hạ tầng số là viễn thông - hạ tầng điện toán đám mây - công nghệ 4.0 đảm bảo an ninh và an toàn mạng … Từ đó, giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh dễ dàng kết nối khách hàng, quản lý nhân viên, tối ưu hoạt động, quản lý chuyên ngành sản phẩm của doanh nghiệp.
Cùng với đó, hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng được nâng cấp hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp qua thiết bị di động thông minh; nhiều chức năng nâng cao của Cổng dịch vụ công được triển khai thực hiện như: chữ ký số điện tử trên e-Form đã nộp; chức năng trợ lý ảo - hướng dẫn TTHC cho người dân, doanh nghiệp; kết nối liên thông giữa Cổng dịch vụ công tỉnh và Cổng dịch vụ công Quốc gia. Nhiều chính sách ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thanh toán trực tuyến, thanh toán phí trung gian được triển khai trên Cổng dịch vụ công tỉnh...
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh còn những khó khăn, hạn chế nhất định liên quan đến các yếu tố kỹ thuật, trang thiết bị, kết nối, chia sẻ dữ liệu, nguồn nhân lực…. nhằm khắc phục những hạn chế trên, các cấp, các ngành, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh cần nỗ lực hơn nữa, chung tay thực hiện hiệu quả công cuộc chuyển đối số, đồng thời quán triệt và nâng cao nhận thức về DVCTT. Qua đó, người dân, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và thời gian thực hiện các TTHC, đồng thời ngăn ngừa hiệu quả hành vi nhũng nhiễu, quan liêu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời gian tới
Thực hiện chuyển đổi số toàn diện làm thay đổi tổng thể các hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cách sống, làm việc của người dân trên môi trường số và dựa trên dữ liệu và công nghệ số, góp phần thực hiện mục tiêu “Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030 Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước” theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Do đó, tại Hội thảo khoa học tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ, Ths. Nguyễn Thúy Duy, Tạp chí Cộng sản và Ths. Tạ Văn Soát, Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai đã khuyến nghị các cấp ủy, chính quyền và toàn dân trong toàn tỉnh cần tập trung thực hiện một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp, nêu gương, truyền cảm hứng trong chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức địa bàn phụ trách; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, địa phương trong việc chủ động tham gia chuyển đổi số; tăng cường công tác tuyên truyền về chuyển đổi số...
Thứ hai, gắn mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch hoạt động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành, các địa phương; Phát huy vai trò liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp; giữa hội, hiệp hội ngành nghề công nghiệp số với hội, hiệp hội chuyên ngành trong các lĩnh vực khác để tạo hiệu ứng lan tỏa ra xã hội.
Thứ ba, rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định thuộc thẩm quyền của tỉnh nhằm đổi mới cơ cấu tổ chức, quy trình, nghiệp vụ, tiêu chí đánh giá xếp loại, xét thi đua khen thưởng trong các cơ quan nhà nước dựa trên bộ tiêu chí chuyển đổi số, tạo điều kiện thuận lợi phát triển chính quyền số... Xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ số và môi trường mạng.
Thứ tư, các cơ quan nhà nước, địa phương phải nắm bắt, đi đầu triển khai sử dụng các nền tảng dùng chung có sẵn trong một số lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, sản xuất thông minh để lan tỏa, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp và người dân sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, tài nguyên và môi trường, học trực tuyến, nội dung số, dịch vụ kế toán, tài chính doanh nghiệp, đô thị, ...; Xây dựng, triển khai chính sách khuyến khích để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trên địa bàn tiên phong đưa ra các bài toán, vấn đề, những thách thức cần giải quyết bằng ứng dụng CNTT, công nghệ số để các doanh nghiệp công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển các giải pháp công nghệ, sản phẩm công nghệ số.
Thứ năm, đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống trung tâm dữ liệu tập trung của tỉnh đạt chuẩn Tier 3 phục vụ cho xử lý, điều hành thông tin tập trung, trực tuyến, dựa trên công nghệ điện toán đám mây, tính toán hiệu năng cao, tính toán biên, công nghệ phân tích dữ liệu, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo... Từng bước hình thành Hồ dữ liệu (Data lake) phục vụ điều hành đô thị thông minh; Ứng dụng công nghệ số trong việc phát triển và khai thác Kho dữ liệu, Hồ dữ liệu dùng phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành và đô thị thông minh, cung cấp dữ liệu mở phục vụ công cộng, cho tổ chức, doanh nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thứ sáu, các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã cần quán triệt, chỉ đạo công chức tại bộ phận một cửa và bộ phận chuyên môn phối hợp tốt trong công tác tiếp nhận và xử lý các hồ sơ trực tuyến đảm bảo đúng quy định và sớm, đúng hạn, không để hồ sơ trễ hạn. Chủ động hướng dẫn người dân, doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện… Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thay đổi cách tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ để thực hiện cung cấp dữ liệu cho các hệ thống của tỉnh nhằm phục vụ tốt hơn trong việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến. Thực hiện tốt việc đầu tư các trang thiết bị, tổ chức tư vấn, hỗ trợ, giải đáp thắc mắc trực tiếp tại các Bộ phận một cửa các cấp và trực tuyến thông qua Tổng đài, trợ ký ảo (AI) và các kênh truyền thông trực quan, mạng xã hội./.
Mỹ Hoa