Sự thay đổi chuỗi cung ứng: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam (15/09/2022)
Chiều ngày 15/9/2022, tại Trung tâm Hội nghị Triển lãm tỉnh Bình Dương, Báo Tuổi Trẻ, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo "Sự thay đổi chuỗi cung ứng: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam”.
Đến dự hội thảo, có ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương và hơn 250 khách mời là lãnh đạo các sở ban ngành trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực phía Nam và các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước.
Quang cảnh hội thảo
Chương trình hội thảo gồm 5 phần, trong đó nội dung chính tập trung ở phần 2 và 3. Tại đây, các chuyên gia Hàn Quốc sẽ trình bày tham luận: Nhận định về xu hướng chuyển dịch của chuỗi cung ứng trên thế giới sang khu vực châu Á và Việt Nam trong thời gian gần đây; chia sẻ câu chuyện quy hoạch, mô hình liên kết các cụm và khu công nghiệp ở Hàn Quốc, gợi ý ứng dụng ở Việt Nam. Các doanh nghiệp đầu ngành trình bày tham luận: Chiến lược, mô hình liên kết, nhu cầu đặt hàng và mở rộng phát triển của các doanh nghiệp lớn, đầu ngành ở khu vực phía Nam.
Cũng với đó, tỉnh Bình Dương cũng trình bày tham luận về công tác thu hút đầu tư và chuẩn bị đón sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng; chính sách quy hoạch, kết nối để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.
Trong phiên thảo luận, các diễn giả cũng dự báo về thị trường sắp tới, việc quy hoạch vùng, khai thác quỹ đất sao cho hiệu quả, chuẩn bị về hạ tầng, nguyên liệu, logistic, khơi thông liên kết để tạo điều kiện cho việc hình thành các cụm công nghiệp, cụm liên kết ngành trong và giữa các địa phương; Các chính sách, cải cách hành chính để thu hút đầu tư vào các địa phương; Cơ chế phối hợp, thống nhất giữa các địa phương trong vùng tứ giác kinh tế: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và các địa phương lân cận để liên kết, khai thác hết những tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Thảo luận tại hội thảo
Bên cạnh đó, tại hội thảo cũng diễn ra phần hỏi - đáp giữa các doanh nghiệp và các đại biểu khách mời, chuyên gia xoay quanh vấn đề: Các doanh nghiệp được gì khi liên kết với nhau; chính sách hỗ trợ, tiêu chí, điều kiện để liên kết giữa các doanh nghiệp; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao, chia sẻ về công nghệ, đơn hàng… để tham gia vào được chuỗi cung ứng toàn cầu.
Có thể thấy, hội thảo được tổ chức nhằm liên kết, khai thác những tiềm năng, lợi thế của các doanh nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kết nối, xây dựng chuỗi cung ứng khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung. Đồng thời, hội thảo cũng tạo môi trường cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các tỉnh, thành phía Nam gặp gỡ, học hỏi, trao đổi và hợp tác với các doanh nghiệp hàng đầu hoạt động trên lĩnh vực cơ khí, ô tô, điện, điện tử, cao su, chế biến gỗ… Qua đó, giúp doanh nghiệp học hỏi, trao đổi kinh nghiệm phát triển công nghiệp của một số quốc gia trên thế giới.
Hoàng Anh