Hoạt động chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2022 (25/12/2022)
Nằm trong khu vực Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Dương đã nỗ lực xây dựng, phát triển tỉnh nhà trong những năm qua, làm thay đổi diện mạo đô thị, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội và môi trường, khẳng định được vị trí của một tỉnh công nghiệp phát triển trọng điểm của cả nước, tạo tiền đề vững chắc cho việc đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa. Do đó, chuyển đổi số cũng là yêu cầu tất yếu để Bình Dương thực hiện thành công mục tiêu “xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn mình, hiện đại giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”.
Trong năm qua, tỉnh chú trọng phát triển các trung tâm, CSDL dữ liệu như: Trung tâm IOC hình thành nhằm từng bước thu thập và xử lý dữ liệu từ các hệ thống ứng dụng CNTT tại các sở, ban, ngành, địa phương phục vụ công tác phân tích, xử lý dữ liệu, hiển thị trực quan; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) được đưa vào vận hành từ năm 2021 và thực hiện đấu nối, chia sẻ dữ liệu với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, hiện nay đã có 17 bộ, ngành, doanh nghiệp chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước của địa phương, của ngành; trục LGSP của tỉnh đã kết nối thành công với CSDL của 11 bộ, ngành, doanh nghiệp. Dữ liệu dân cư hiện nay được chia sẻ qua Nền tảng LGSP của tỉnh nhằm phục vụ triển khai Đề án 06 về CSDL dân cư.
Thúc đẩy các sở, ban, ngành xây dựng CSDL phục vụ công tác quản lý chuyên ngành, trong đó ưu tiên các CSDL có tính chất nền tảng như: (1) CSDL thông tin đất đai; (2) CSDL thông tin quy hoạch đô thị; (3) CSDL doanh nghiệp của tỉnh; (4) CSDL cán bộ công chức viên chức; (5) CSDL hộ tịch; (6) CSDL ngành Công Thương; (7) CSDL thông tin quản lý ngành Giáo dục và Đào tạo; (8) CSDL thông tin quản lý dữ liệu ngành Y tế; thực hiện công bố công khai danh mục CSDL dùng chung để hệ thống hóa tài nguyên dữ liệu, tăng cường quản trị, nâng cao chất lượng dữ liệu và thúc đẩy chia sẻ dữ liệu…
Trong phát triển hạ tầng số, số thuê bao điện thoại di động đạt 138,75 thuê bao/100 dân; 85% hộ gia đình có sử dụng cáp quang băng rộng, tổng số trạm thu phát sóng thông tin di động 3G, 4G là 2.530, đang phát thí điểm 04 trạm 5G; 99,9% khu vực có dân cư sinh sống được phủ sóng di động 3G, 4G; tỷ lệ thuê bao internet cáp quang băng rộng di động đạt 101,43 thuê bao/100 dân; hiện nay tỉnh Bình Dương đang sử dụng hạ tầng mạng Truyền số liệu chuyên dùng băng thông rộng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh phủ đến cấp xã với hơn 184 điểm kết nối đảm bảo cho các kết nối đến ứng dụng nội bộ của tỉnh như phần mềm quản lý văn bản, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến…; tỉnh cũng đã hình thành một phần hạ tầng mạng Internet vạn vật (IoT) để truyền tải dữ liệu camera và IoT, sẽ thực hiện mở rộng quy mô, phạm vi khi nhu cầu phát triển.
Để thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn hiệu quả, tỉnh cũng đã chú trọng triển khai thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức; Cử cán bộ tham dự khóa đào tạo 100 chuyên gia về Chính phủ điện tử. Hiện nay, Bình Dương đang tiếp tục thực hiện xây dựng dự án “Đảm bảo nguồn nhân lực công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2022 - 2026”. Bên cạnh đó, Bình Dương đã tổ chức Hội thảo triển khai, tập huấn công tác chuyển đổi số năm 2022 cho CCVC phụ trách CNTT trên địa bàn tỉnh, với gần 140 CCVC tham dự Hội thảo. Tổ chức Hội thảo hướng dẫn xây dựng và triển khai bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Phối hợp tổ chức Hội thảo “Định hướng chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Hội nghị bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số cộng đồng cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng, với kết quả đạt được ban đầu đã thành lập 585 Tổ công nghệ số cộng đồng với tổng số thành viên là 2.992 người, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập thuộc thành phần các Tổ của khu, ấp.
Công tác truyền thông, thúc đẩy chuyển đổi số được đẩy mạnh, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương thực hiện Chuyên mục Thành phố thông minh - Chuyển đổi số phát sóng hằng tuần. Báo Bình Dương thường xuyên cập nhật tin, bài trên chuyên trang Thành phố thông minh - Chuyển đổi số.
Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh, Đài Truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện trên 350 tin, bài tuyên truyền hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia phù hợp với mục đích, ý nghĩa, tinh thần cũng như chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022, tuyên truyền việc thực hiện đợt cao điểm 45 ngày đêm Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố;
Tuyên tuyền các giải pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022 và Đề án 06/CP nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản DVC, đăng ký tài khoản định danh điện tử, thực hiện TTHC trên Cổng DVC Quốc gia và của Bộ Công an; lợi ích của chuyển đổi số để các cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và hiệu quả của chuyển đổi số, tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại nhằm hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVC trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả.
Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai các Nền tảng do Trung ương và địa phương xây dựng, triển khai; Nền tảng học trực tuyến mở đại trà để hỗ trợ người dân, công nhân tiếp cận chuyển đổi số. Đào tạo kỹ năng số, chuyển đổi số trong học sinh, sinh viên. Thực hiện các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số để từng bước hình thành mô hình các khu công nghiệp khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ mới tạo ra giá trị gia tăng cao cũng như góp phần gia tăng tỷ trọng kinh tế số. Tăng cường công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho Chính quyền số thông qua việc duy trì hoạt động của Trung tâm điều hành giám sát an toàn, an ninh mạng vận hành để cung cấp các dịch vụ giám sát cho việc xây dựng Chính quyền số của tỉnh.
Thy Diễm
Tài liệu tham khảo:
1. Báo báo cáo Kết quả công tác chuyển đổi số năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.