Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 (30/07/2023)
Ngày 19/7/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch số 3622/KH-UBND về việc Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, phát triển sản phẩm OCOP nhằm khởi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lịa ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Cụ thể hơn, đến năm 2025, phấn đấu ít nhất 380 lượt sản phẩm (khoảng 240 sản phẩm) OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên (bao gồm công nhận mới, nâng hạng và công nhận lại), trong đó có ít nhất 10% sản phẩm đạt từ 4 sao trở lên. Trong đó, năm 2023 phấn đấu ít nhất 23 sản phẩm OCOP trên địa bàn các xã đăng ký và đạt chuẩn xã Nông thôn mới nâng cao; Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá phân hạng, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm và phát triển dịch vụ du lịch nông thôn; Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã, 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa; Có ít nhất 30% chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng.
Bên cạnh đó, có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương; Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ phù hợp làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%, phấn đấu có ít nhất 40% chủ thể OCOP là nữ, có chủ thể OCOP là ngươi dân tộc thiểu số điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh; Có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại; Phấn đấu có ít nhất 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, khuyến khích các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác xúc tiến sản phẩm OCOP; Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu Chương trình OCOP tỉnh Bình Dương; Số hóa 100% hồ sơ, tài liệu sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng sản phẩm.
Kế hoạch cũng nêu rõ nội dung và nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình OCOP tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, cụ thể: Tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực, chuyển đổi tư duy về Chương trình OCOP; Phát triển sản phẩm OCOP; Nâng cao hiệu quả hoạt động đánh giá, công bố và kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP; Hỗ trợ quảng bá, nâng cao chất lượng, thương hiệu OCOP; Nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ; Hệ thống các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP.
Cũng theo Kế hoạch, các tổ chức chính trị - xã hội - ngành nghề như Hiệp Hội Gốm sứ, Hiệp Hội Sơn mài Điêu khắc, Hội Sinh vật cảnh,… sẽ tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia Chương trình OCOP; chủ động tham gia vào các chuỗi giá trị hình thành trong Chương trình OCOP.
Mỹ Hoa