Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương (28/02/2023)
Ngày 28/02/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 893/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Mục tiêu đến năm 2025, phát triển, phấn đấu chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; phấn đấu có ít nhất 01 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái. Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; phấn đấu có 50% điểm du lịch nông thôn công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu quảng bá ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; phấn đấu 80% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng tập huấn và nâng cao nghiệp vụ kỹ năng phục vụ khách du lịch.
Một số nhiệm vụ và giải pháp triển khai đến năm 2025 như: khảo sát đánh giá tiềm năng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh; lựa chọn, hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng và phát triển sản phẩm OCOP; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn; xây dựng và phát triển chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư, phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống ngành nghề nông nghiệp nông thôn; huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn ứng dụng công nghệ và đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn.
Đặc biệt, khuyến khích, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng và triển khai các sáng kiến, ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch nông thôn; các giải pháp kết nối thị trường marketing hiệu quả cho du lịch nông thôn; khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển du lịch nông thôn tại các địa bàn ,môi trường khác nhau theo quy định của pháp luật nhằm tạo ra nguồn thu ổn định từ hoạt động du lịch để đầu tư trở lại cho các công tác bảo vệ tài nguyên du lịch; tích hợp các điểm đến du lịch nông thôn được công nhận vào App du lịch Bình Dương; hỗ trợ kết nối các sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn.
Ánh Nguyệt