Thực hiện Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (05/04/2023)
Ngày 17/3/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Chương trình số 107-CTr/TU về Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 19).
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100% huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100% số xã có sản phẩm và ít nhất 150 chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó: có ít nhất 80 sản phẩm đạt 03 sao trở lên được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Đến năm 2030, trên 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động ngành nông, lâm, thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm…
Đến năm 2045, Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại. Nông thôn hiện đại, môi trường sống xanh, sạch, đẹp; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.
Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; Phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; Hoàn thiện chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn; Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; Chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn lực và đẩy mạnh chuyển giao khoa học - công nghệ; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn
Đặc biệt, Nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp thông minh (4.0), nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo đột phá năng suất, chất lượng và quản trị; đẩy mạnh thực hiện quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý chất lượng. Xã hội hóa nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, trong đó chú trọng doanh nghiệp nông nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản. Tăng cường công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi số; phát triển hạ tầng, giữ liệu, nền tảng số. Đầu tư trang thiết bị phòng thí nghiệm công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư, nghiên cứu xây dựng và triển khai các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong nông nghiệp và hỗ trợ nhân rộng các mô hình hiệu quả; đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh chuyển đổi số và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường các hoạt động đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trung Tính