Thực hiện quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (22/04/2023)
Ngày 22/3/2023, Tỉnh ủy Bình Dương ban hành Chương trình số 112-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, đến năm 2030, Bình Dương phải cơ bản trở thành thành phố thông minh và cơ bản đạt các tiêu chí trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương. Thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, các dự án trong Đề án thành phố thông minh, là đô thị thông minh của vùng đạt các tiêu chí được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) công nhận; là trung tâm công nghiệp hiện đại, tăng trưởng xanh và bền vững; là một trong những địa phương đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin thông qua định hướng phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đến năm 2045 là đô thị loại I, trực thuộc Trung ương và thông minh của cả nước.
Để đạt được mục tiêu trên, Tỉnh ủy đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững; Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển bền vững; Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ; Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng và hoàn thiện nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị; Phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phân cấp và phân quyền cho các huyện, thị xã, thành phố trong quản lý đô thị theo quy định, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý đô thị; xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển đô thị (nguồn nhân lực chất lượng cao); xây dựng vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành gắn với nâng cao trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý đô thị. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Đề án thành phố thông minh Bình Dương; đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số. Đến năm 2025 ưu tiên, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng số hóa 100% dữ liệu về: đất đai, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, môi trường; xây dựng đồng bộ hệ thống quan trắc, giám sát chất lượng môi trường,… theo ngành, lĩnh vực, hoàn thiện nền tảng công nghệ số, các phần mềm, ứng dụng quản lý ngành, lĩnh vực theo thời gian thực thông qua hệ thống thông tin địa lý (GIS).
Thơ Mộng