Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (29/04/2023)
Trên cơ sở chia tách từ tỉnh Sông Bé, sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương từ một tỉnh nông nghiệp là chủ yếu đã phấn đấu trở thành một tỉnh phát triển công nghiệp. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp và kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội Bình Dương cũng đối mặt với nhiều khó khăn, biến động, ảnh hưởng đến các ngành, lĩnh vực trong đó có lĩnh vực GDĐT. Tỉnh tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2020-2025 và năm 2023, nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tính đến nay, quy mô kinh tế của Bình Dương đạt trên 412,5 ngàn (412.516) tỷ đồng, gấp 105,3 lần so với năm 1997, GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.000 USD/người, đứng thứ 2 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) (năm 2022), số thu ngân sách hàng năm của tỉnh luôn đạt mức cao, tăng gấp 75 lần so với năm 1997; liên tục đóng góp tích cực và là một trong số ít các địa phương có điều tiết ngân sách về Trung ương; tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 22,8% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 67,1%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,7%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp 7,4%; tỷ lệ đô thị hóa đạt 84%; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là một trong 07 cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh trên thế giới 2 lần liên tiếp,…
Trong Chương trình Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tỉnh đã hướng đến khai thác và phát huy tốt nhất mọi tiềm năng, lợi thế của địa phương; phát triển công nghiệp theo chiều sâu trên cơ sở đổi mới công nghệ, hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất, chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang nghiên cứu, thiết kế và sản xuất, xây dựng nhà máy thông minh, ưu tiên thu hút đầu tư từ các tập đoàn sản xuất lớn, đa quốc gia, phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp nền tảng, nhất là công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, chế biến, chế tạo, điện tử, viễn thông, tin học, hàng tiêu dùng, hóa dược… có công nghệ cao, sạch, tiêu hao ít năng lượng, mang lại giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững; tập trung phát triển ngành thương mại dịch vụ, thương mại điện tử, phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; tăng cường hợp tác phát triển, thúc đẩy dịch vụ logistics, giao thông và liên kết kinh tế vùng; phát triển đô thị thông minh, vùng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp hấp dẫn; đẩy mạnh chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh Bình Dương.
Định hướng đến năm 2045, Bình Dương chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Ðổi mới tư duy, nhận thức, hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Xây dựng nền công nghiệp vững mạnh, tự lực, tự cường; nâng cao năng lực ngành xây dựng; cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững, gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Phát triển các thành phần kinh tế nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước; Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh, trí tuệ con người, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh; đội ngũ trí thức và doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm tốt an sinh xã hội. Ngoài những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể ở trên, tác giả đề xuất thêm một số giải pháp về khoa học và công nghệ có thể thực hiện và triển khai đồng bộ như sau:
Tạo môi trường thân thiện với doanh nghiệp: Tỉnh cần tạo ra môi trường ưu đãi và thuận lợi để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp. Điều này bao gồm giảm quy trình hành chính, cắt giảm thủ tục, cung cấp các gói hỗ trợ tài chính và đất đai, và đảm bảo an toàn cho vốn đầu tư.
Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ: Địa phương có thể hỗ trợ tài chính và chương trình thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp chủ chốt của tỉnh. Điều này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp địa phương.
Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp: Khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đổi mới sáng tạo là một yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ. Tỉnh có thể thiết lập các chương trình hỗ trợ tư vấn, đào tạo và tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra sản phẩm và dịch vụ mới.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng: Để thúc đẩy công nghiệp hóa và hiện đại hóa, cần có nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng phù hợp. Tỉnh nên hỗ trợ việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp.
Tăng cường hợp tác công nghiệp và hệ thống giáo dục: Hợp tác giữa các doanh nghiệp và các trường đại học và viện nghiên cứu là cần thiết để đảm bảo rằng nghiên cứu và đổi mới có thể được chuyển giao vào ứng dụng thực tế. Các chương trình đào tạo cần được thiết kế để đáp ứng nhu cầu của công nghiệp và thị trường lao động trong khu vực.
Những giải pháp này cần được thực hiện song song và được hỗ trợ chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và cộng đồng để đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa cho tỉnh Bình Dương.
Ánh Nguyệt