Cơ cấu lại thị trường phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững (28/04/2023)
Cơ cấu lại thị trường phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo đem lại nhiều lợi ích quan trọng cho ngành kinh tế, như tạo đà tăng trưởng kinh tế: Sự phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Khi các doanh nghiệp và tổ chức đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, sản xuất và dịch vụ của họ trở nên hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và cải thiện chất lượng, giúp tăng cường cạnh tranh và mở rộng thị trường.
Tạo việc làm và nâng cao chất lượng lao động: Phát triển khoa học và công nghệ thúc đẩy sự sáng tạo trong kinh doanh và sản xuất, từ đó tạo ra nhu cầu về nhân lực có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng công nghệ thông tin. Điều này giúp tạo việc làm mới và cải thiện chất lượng lao động, tăng cường sức hấp dẫn của thị trường lao động và nâng cao thu nhập của người lao động.
Cải thiện hiệu quả nguồn lực: Các giải pháp khoa học và công nghệ tiên tiến thường tập trung vào việc sử dụng tối ưu nguồn tài nguyên và năng lượng. Điều này giúp giảm thiểu lãng phí, giảm khí thải và tác động tiêu cực đến môi trường, từ đó tạo ra sự bền vững cho các hoạt động kinh tế.
Thúc đẩy khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ: Cơ cấu lại thị trường phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tạo điều kiện thuận lợi cho các khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ tham gia vào thị trường. Việc này thúc đẩy sự cạnh tranh và khơi dậy tinh thần sáng tạo, giúp đẩy mạnh sự phát triển kinh tế.
Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: Quốc gia có chính sách ưu tiên và đầu tư vào lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến giúp tăng cường vị thế của quốc gia trên thị trường quốc tế và giảm thiểu sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu.
Phát triển các ngành kinh tế mới: Cơ cấu lại thị trường phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giúp phát triển các ngành kinh tế mới và tiềm năng. Các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, y tế và dược phẩm, chăm sóc sức khỏe, và nông nghiệp thông minh có tiềm năng phát triển mạnh mẽ khi đón nhận công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tóm lại, cơ cấu lại thị trường phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững, tăng cường cạnh tranh quốc gia, và đem lại nhiều lợi ích cho xã hội và con người. Nhận định được điều này, ngành khoa học và công nghệ Bình Dương đã triển khai các hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, nghiên cứu đầu tư phát triển công nghệ cho đối tượng doanh nghiệp đã được quan tâm triển khai. Trong giai đoạn 2021-2022, có 02 Doanh nghiệp được cấp mới Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ nâng tổng số doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh lên 06 Doanh nghiệp; 25 tổ chức khoa học công nghệ; 03 doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động nghiên cứu, đầu tư cải tiến phát triển sản phẩm mới tại doanh nghiệp với tổng số tiền trích Quỹ hơn 180 tỷ đồng.
Tổ chức cho các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương tham gia Techmart vùng, khu vực do các tỉnh, thành phổ tổ chức. Đẩy mạnh triển khai Trung tâm tư vấn thông tin khoa học công nghệ trên mạng; Tổ chức hoạt động và vận hành Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị ảo với định hướng trở thành một trong những Sàn thương mại điện tử có uy tín trong tỉnh Bình Dương nói riêng và khu vực phía Nam nói chung, tiến tới kết nối để chia sẻ thông tin với các sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trong khu vực và trong nước.
Thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền, đã vận động và hỗ trợ 07 doanh nghiệp áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng; 14 doanh nghiệp xây dựng áp dụng và chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng; hơn 300 sản phẩm chứng nhận và công bố hợp chuẩn, hợp quy (trong đó có 03 sản phẩm được hỗ trợ kinh phí từ dự án, số còn lại do doanh nghiệp tự thực hiện) và 08 doanh nghiệp được trao tặng giải thưởng chất lượng Quốc gia và Giải thưởng chất lượng Châu Á Thái Bình Dương.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến thời điểm hiện tại đã cơ bản được hoàn thiện, gồm có: 02 tổ chức ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp (tại Trường Đại học Quốc tế miền Đông và Phân hiệu Trường Đại học Thủy Lợi tại Bình Dương); các câu lạc bộ, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại các trường: Đại học Thủ Dầu Một; Đại học Bình Dương; Đại học Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương và các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh; Xây dựng và phát triển các phòng thí nghiệm thực hành công nghệ (Fablab), trong đó đầu tư từ ngân sách tỉnh gồm Fablab lĩnh vực cơ khí chế tạo (Trường Cao đẳng Việt Nam-Singapore); Fablab lĩnh vực công nghệ sinh học (Trường Đại học Thủ Dầu Một); Fablab đa ngành (Trung tâm Sáng kiến cộng đông và Hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương).
Mỹ Linh