Nâng cao xếp hạng Chuyển đổi số của tỉnh Bình Dương năm 2023 và các năm tiếp theo (30/09/2023)
Thực hiện Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/5/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, các tỉnh trực thuộc Trung ương và của quốc gia” (gọi tắt là Quyết định số 922/QĐ-BTTTT); Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành Kế hoạch số 4876/ KH-UBND ngày 26/9/2023 về việc Nâng cao xếp hạng Chuyển đổi số (DTI) của tỉnh Bình Dương năm 2023 và các năm tiếp theo.
Theo đó, kế hoạch được ban hành nhằm đánh giá được hiện trạng thực hiện chuyển đổi số hàng năm của tỉnh; giúp các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh thấy được các điểm mạnh cần phát huy, những điểm yếu cần khắc phục; Xây dựng, tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện và nâng cao xếp hạng chuyển đổi số của tỉnh năm 2023 và các năm tiếp theo. Qua đó, phân công nhiệm vụ cho các ngành, địa phương chủ trì thực hiện hiệu quả các chỉ số chính, chỉ số thành phần của DTI cấp tỉnh được thể hiện trong Quyết định số 922/QĐ-BTTTT.
Theo đó, có một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm:
- Về nhận thức số: Tiếp tục nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo điều hành của các ngành, địa phương đối với việc xác định DTI cấp bộ, cấp tỉnh; Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
- Về thể chế số: Trình cấp thẩm quyền ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản, chính sách về chuyển đổi số: Ban hành chính sách thuê chuyên gia chuyển đổi số; Ban hành chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến: Chính sách giảm phí, lệ phí khi người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Chính sách miễn trung gian thanh toán và thực hiện chi trả bằng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tiếp tục tổ chức hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn định kỳ hàng năm phổ biến, quán triệt và giám sát tuân thủ kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh. Tiếp tục tổ chức hội nghị, bồi dưỡng, tập huấn định kỳ hàng năm phổ biến, quán triệt công tác chi cho chuyển đổi số.
- Về hạ tầng số: Triển khai Trung tâm dữ liệu phục vụ chuyển đổi số theo hướng sử dụng công nghệ điện toán đám mây, đạt tiêu chuẩn và kết nối với Nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo mô hình do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn. Triển khai ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong nền tảng số.
- Về nhân lực số: Nâng cao tỉ lệ công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, an toàn thông tin (bao gồm hợp đồng chuyên trách, bán chuyên trách về an toàn thông tin (kiêm nhiệm)) trong các cơ quan nhà nước để phục vụ triển khai chuyển đổi số. Nâng cao tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về chuyển đổi số. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức đào tạo về chuyển đổi số cho sinh viên. Yêu cầu các trường công lập, ngoài công lập tăng cường công tác đào tạo về chuyển đổi số cho sinh viên. Tiếp tục tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho CCVC trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tỷ lệ CCVC được đào tạo, bồi dưỡng là cao nhất. Tiếp tục triển khai phổ cập kỹ năng số cơ bản cho người dân trên nền tảng OneTouch; Nâng cao tỷ lệ người lao động được bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số.
- Về an toàn thông tin mạng: Xây dựng và phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ cho tất cả hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, đảm bảo các hệ thống thông tin đều được phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ; triển khai đầy đủ phương án bảo vệ theo Hồ sơ đề xuất cấp độ đã được phê duyệt cho các hệ thống thông tin; Triển khai 100% số lượng máy chủ của cơ quan nhà nước cài đặt phòng, chống mã độc và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC); Triển khai 100% số lượng máy trạm của cơ quan nhà nước cài đặt phòng, chống mã độc và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC); Đảm bảo 100% số lượng IP botnet được phát hiện, cảnh báo và xử lý, loại bỏ mã độc và báo cáo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC); Triển khai 100% số lượng hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước được giám sát trực tiếp và kết nối chia sẻ dữ liệu với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC); Triển khai 100% hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước đã được kiểm tra, đánh giá đầy đủ các nội dung theo quy định tại Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24/4/2017; Triển khai ít nhất 2 cuộc diễn tập an toàn thông tin; Đảm bảo 100% sự cố an toàn thông tin được phát hiện và đã xử lý trong cơ quan nhà nước.
- Về hoạt động chính quyền số: Nâng cao tỷ lệ số dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được đưa vào sử dụng chính thức tại tỉnh; tập trung thực hiện kết nối 5 dịch vụ dữ liệu chưa kết nối: (1) Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá (Bộ Tài chính); (2) Cơ sở dữ liệu đăng kiểm phương tiện (Bộ Giao thông Vận tải); (3) Hệ thống Đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến và rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về trợ giúp xã hội; (4) Hệ thống danh mục điện tử dùng chung (Bộ Tài chính); (5) Hệ thống định danh và xác thực điện tử (Bộ Công an). 100% tất cả các dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) vào sử dụng chính thức tại tỉnh; Nâng cao tỷ lệ DVCTT được cá thể hóa; tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến; Triển khai nền tảng trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức (trong đó cá thể hóa theo nhu cầu của cá nhân); Phấn đấu đảm bảo tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho hoạt động chính quyền số đạt tối thiểu 30 tỷ đồng.
- Về hoạt động kinh tế số: Nâng cao tỉ trọng kinh tế số trong GRDP đảm bảo đạt tối thiểu 20% GRDP của tỉnh; Nâng cao tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số (đạt tỉ lệ ≥ 5%); Nâng cao tỉ lệ doanh nghiệp nền tảng số trên địa bàn. Thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số (doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông – CNTT), doanh nghiệp nền tảng số hoạt động trên địa bàn tỉnh; Thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt tối thiểu 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; Thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt tối thiểu 80% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Đẩy mạnh các giao dịch trên sàn thương mại điện tử Voso.vn và Postmart.vn; Thúc đẩy, gia tăng doanh nghiệp sử dụng tên miền .vn nhằm gia tăng số lượng; Bổ sung các số liệu hạng mục chi liên quan kinh phí đầu tư từ Ngân sách nhà nước cho kinh tế số; Bổ sung các số liệu hạng mục chi liên quan kinh phí chi thường xuyên từ NSNN cho kinh tế số.
- Về hoạt động xã hội số:Gia tăng số lượng phổ cập danh tính số/tài khoản định danh điện tử cho người dân trên địa bàn tỉnh; Gia tăng số lượng dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân; Triển khai gắn địa chỉ số đến 100% các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Triển khai tích hợp thông tin địa chỉ nhà gắn với thửa đất trên bản đồ GIS; thông tin địa chỉ nhà được chuyển đổi thành địa chỉ số trên Bản đồ số và công bố cho người dân, doanh nghiệp; Tiếp tục tổ chức đào tạo bồi dưỡng kỹ năng số cơ bản cho người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh; Đảm bảo mức độ người dân được tham gia vào cùng cơ quan nhà nước giải quyết vấn đề của địa phương với chính quyền: Mức độ hài lòng với việc xử lý phản ánh qua App di động; Mức độ hài lòng với việc xử lý phản ánh qua Tin nhắn trên các nền tảng liên lạc (Zalo, Messenger…); Mức độ hài lòng với việc xử lý phản ánh qua Kênh khác (sử dụng hình thức điện tử); Bổ sung các số liệu hạng mục chi liên quan kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước cho xã hội số; Bổ sung các số liệu, hạng mục chi liên quan tổng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho xã hội số. Thực hiện chi cho xã hội số bao gồm tuyên truyền, đào tạo cho người dân về kỹ năng số, các hoạt động dịch vụ, sản phẩm hỗ trợ khác giúp người dân tiếp cận môi trường số và chi khác theo quy định.
Hoàng Anh