Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến công tác bảo vệ môi trường (22/10/2023)
Theo các chuyên gia, Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 tác động đến lĩnh vực môi trường là tích cực trong ngắn hạn và hết sức tích cực trong trung hạn và dài hạn nhờ các công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường. Ngoài ra, công nghệ thông tin (CNTT), kỹ thuật số cũng tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao hơn cho công tác quản lý, điều hành và tác nghiệp trong lĩnh vực quản lý môi trường như: tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí, hội họp...
Ứng dụng các sản phẩm của công nghệ 4.0 trong các lĩnh vực như: quan trắc tự động môi trường ở các điểm xả thải, đo tự động mức độ ô nhiễm đối với các yếu tố môi trường như nước thải, không khí, áp dụng trong dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn kết nối mặt đất với vệ tinh… từ đó có hệ thống dữ liệu rất tốt và chính xác để phục vụ công tác quản lý. Bên cạnh đó, có thể ứng dụng công nghệ 4.0 để phát triển xanh trong chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh”; ứng dụng trong quản lý các nguồn tài nguyên đất, nước, khoáng sản, rừng và đa dạng sinh học; để phát triển nguồn năng lượng sạch để thay thế nguồn năng lượng hóa thạch hiện nay gây ô nhiễm môi trường. Việc ứng dụng công nghệ thông minh của CMCN 4.0 làm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ, giảm tiêu hao nhiên liệu, chi phí sản xuất…
Phát triển và thay thế nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng sạch (năng lượng tái tạo)
Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và tạo ra nguồn năng lượng dồi dào, con người đã tạo ra năng lượng từ các phản ứng nguyên tử. Đây là một bước nhảy vọt của sự tiến bộ về việc sử dụng và phát triển nguồn năng lượng.
Tuy nhiên, trước sự phát triển ồ ạt về kinh tế và xem nhẹ về môi trường, chính việc sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch, nguyên tử đã gây ra nhiều rủi ro, hiểm họa về môi trường và nhân loại. Việc đốt nhiên liệu hóa thạch tạo ra khoảng 2,3 tỉ tấn CO2 hàng năm, nhưng người ta ước tính rằng các quá trình tự nhiên có thể hấp thụ phân nửa khí thải trên, vì vậy hàm lượng CO2 sẽ tăng 10,65 tỉ tấn mỗi năm trong khí quyển. CO2 là một khí nhà kính làm tăng lực phóng xạ và góp phần vào sự nóng lên toàn cầu, làm cho nhiệt độ trung bình bề mặt của Trái Đất tăng.
Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra một kỉ nguyên với sự phát triển theo hướng phi tuyến tính thì nhu cầu sử dụng năng lượng của con người càng lớn. Và phát triển và thay thế nguồn năng lượng hóa thạch bằng năng lượng sạch (năng lượng tái tạo) là một xu thế tất yếu.
Nước ta có tiềm năng rất lớn về 2 nguồn năng lượng gió và nước. Việt Nam với đường bờ biển dài 3.260 km, có tổng bức xạ năng lượng mặt trời vào khoảng 5kW/h/m2/ngày ở các tỉnh miền Trung và miền Nam, và vào khoảng 4kW/h/m2/ngày ở các tỉnh miền Bắc với trị số tổng xạ khá lớn từ 100 - 175 kcal/cm2.năm, năng lượng gió ước tính khoảng 500-1000 kWh/m2/năm. Năng lượng mặt trời được xác định là một trong các nguồn năng lượng rất dồi dào tại Việt Nam, việc khai thác và tận dụng có hiệu quả, bền vững nguồn năng lượng thân thiện với môi trường này đã và đang là mối quan tâm chiến lược của Việt Nam cũng như hầu hết các nước trên thế giới.
Tuy nhiên việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch này ở nước ta còn chưa xứng với tiềm năng có sẵn, chưa phù hợp với xu hướng phát triển cuộc cách mạng lần 4. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về nguồn kinh phí đầu tư ban đầu, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn ít về vai trò của năng lượng tái tạo và rào cản về thủ tục hành chính trong việc triển khai thực hiện các dự án phát triển năng lượng tái tạo từ nguồn ngân sách nhà nước.
Phát triển các công nghệ ít phát thải, các sản phẩm thân thiện với môi trường và nguồn nguyên liệu mới thay thế cho tài nguyên đang cạn kiệt
Có thể nói những tiến bộ của con người với việc tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ phân hủy, các nguồn nguyên liệu mới và việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tạo ra các công nghệ sản xuất hiệu quả cao, ít phát thải đã góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế xanh, đây là một xu hướng đổi mới tất yếu về bảo vệ môi trường trong thời đại của cuộc cách mạng 4.0.
Cụ thể như việc sử dụng túi nylon dễ phân hủy, được sản xuất từ các thành phần hưu cơ đã giúp bảo vệ môi trường, giải quyết được bài toán rác túi nylon và những hệ lụy gây ra từ rác nylon khắp nơi trên thế giới trong thời gian qua. Hay sự phát triển các sản phẩm được làm từ nguyên vật liệu và thiết bị có kích cỡ nano. Việc dùng công nghệ nano có tác dụng như một đòn bẩy làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo tồn các nguồn tài nguyên và điều cơ bản là xây dựng nên một nền kinh tế "sạch".
Hiện nay, công nghệ nano tại Việt Nam cũng được các doanh nghiệp quan tâm, ứng dụng. Tại Bình Dương, Công ty gốm sứ Minh Long tạo ra được các sản phẩm gồm có độ phẳng mịn cao, mức độ bám dính cực thấp. Đồ gốm sứ Minh Long có thể dùng khăn là lau sạch và không cần đến nước rửa chén để tẩy rửa sau khi sử dụng theo các cách thức truyền thống. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường, giảm bớt lượng nước thải phát sinh.
Công nghệ nano mở ra con đường mới đầy hứa hẹn trong việc tạo ra tế bào năng lượng mặt trời không tốn kém cũng như cải tiến hiệu suất và giảm giá thành của tế bào nhiên liệu, được xem là nguồn năng lượng cho xe hơi và xe tải trong tương lai. Đồng thời, những nghiên cứu ở cấp độ nano đang hướng tới những công cụ có khả năng loại bỏ vật liệu độc hại và làm sạch các địa điểm có chất thải độc hại. Ngày nay, công nghệ nano là một giải pháp hoàn hảo cho công nghệ xử lý nước thải.
Ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong quản lý tài nguyên và môi trường
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật và các công nghệ giám sát môi trường đang phát triển nhanh được hỗ trợ bởi Internet kết nối vạn vật với một hệ phát triển logic phi tuyến tính. Sự phát triển này có vai trò quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu. Ngày nay, công nghệ giám sát môi trường đang phát triển nhanh được hỗ trợ bởi Internet kết nối vạn vật, giúp thu thập và xử lý thông tin liên tục 24/7 theo thời gian thực cũng như đưa ra cảnh báo sớm về các thảm họa thiên nhiên, mang lại triển vọng trong quản lý thiên tai, bảo vệ môi trường và tổ chức sản xuất lâm nghiệp chính xác ở Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp cũng chia sẻ, việc ứng dụng những công nghệ mới, công nghệ thông tin trong bảo vệ môi trường không chỉ nâng cao năng suất, mang lại hiệu quả kinh tế lớn mà còn bảo đảm an toàn trong hoạt động xử lý chất thải, nước thải...
Tuy nhiên, cùng với nhiều lợi ích mang lại thì CMCN 4.0 cũng đặt ra không ít thách thức trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thách thức lớn nhất là việc nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực của lĩnh vực, bên cạnh đó là thách thức trong nguồn lực tài chính; thách thức liên quan đến vấn đề an toàn, bảo mật thông tin khi sử dụng hệ sinh thái vạn vật kết nối (IoT)…
Có thể thấy ô nhiễm môi trường là vấn đề không của riêng quốc gia nào. Ô nhiễm môi trường tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế các quốc gia, đến sức khỏe, tính mạng, đời sống của con người và sinh vật. Nguyên nhân gây ra hiện tượng này chủ yếu là do hoạt động kinh tế của con người, như hoạt động nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ, sản xuất năng lượng,... Muốn kiểm soát được ô nhiễm môi trường chúng ta cần phải kiểm soát được nguyên nhân gây ra ô nhiễm. Ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, đặc biệt là thành tựu vĩ đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để kiểm soát các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng. Nên việc nhận diện, dự báo tác động các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 đến các hoạt động gây ô nhiễm môi trường là chìa khóa để xây dựng, hoàn thiện pháp luật về vấn đề này nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường hiệu quả, bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành, hướng tới phát triển bền vững đất nước.
Quế Trâm tổng hợp