QUYẾT ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN, PHẢN BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM (19/06/2014)
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 14/2014/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN, PHẢN BIỆN VÀ GIÁM ĐỊNH XÃ HỘI CỦA LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT VIỆT NAM
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật khoa học và công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Điều lệ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh:
Quyết định này quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đối với các vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng và những chương trình, dự án lớn về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, về chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức.
2. Đối tượng áp dụng:
Quyết định này áp dụng đối với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (gọi tắt là Liên hiệp Hội Việt Nam) và các Hội Khoa học và Kỹ thuật chuyên ngành toàn quốc và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là các hội thành viên), các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Điều 2. Những quy định chung
1. Tư vấn là hoạt động cung cấp tri thức, kinh nghiệm, thông tin, tư liệu cùng với sự phân tích, đánh giá, kiến nghị cho cá nhân hoặc tổ chức có thẩm quyền.
2. Phản biện là hoạt động đưa ra nhận xét, đánh giá, phê bình và các khuyến nghị về sự phù hợp của nội dung đề án với mục tiêu và các điều kiện đã quy định hoặc thực trạng đặt ra.
3. Giám định là hoạt động xác định tính khoa học, tính thực tiễn, tính khả thi của đề án hoặc một vấn đề, một sự việc cụ thể.
4. Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên là hoạt động mang tính xã hội (gọi chung là tư vấn, phản biện và giám định xã hội), độc lập khách quan, không vì mục đích lợi nhuận.
5. Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên có nhiệm vụ tổ chức tập hợp, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội góp phần vào việc hoạch định chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước,
Điều 3. Loại đề án lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội
1. Đề án cần tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên:
a) Các đề án về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng;
b) Các chương trình, dự án lớn, công trình quan trọng quốc gia; chương trình, dự án lớn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
c) Các chương trình, dự án lớn, chủ trương quan trọng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức.
2. Đề án do các cơ quan của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặt hàng Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
3. Các đề án không quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này do Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đề xuất tư vấn, phản biện và giám định xã hội, được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 4. Yêu cầu về nội dung báo cáo tư vấn, phản biện và giám định xã hội
1. Có cơ sở khoa học, thực tiễn, độc lập, khách quan nhằm giúp các cơ quan được tư vấn, phản biện và giám định xã hội có thêm thông tin và căn cứ trong việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các đề án.
2. Đề xuất những giải pháp, kiến nghị góp phần bảo đảm tính khả thi của đề án.
Điều 5. Quy trình, thủ tục lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội
1. Đối với các đề án quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều 3 Quyết định này, các cơ quan chủ trì đề án lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên; đối với các đề án quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 3 Quyết định này, các cơ quan chủ trì đề án ở địa phương lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là Liên hiệp hội địa phương).
2. Quy trình, thủ tục, thời gian gửi lấy ý kiến và thời hạn gửi báo cáo tư vấn, phản biện và giám định xã hội các đề án quy định ở Khoản 1 Điều này được thực hiện như việc lấy ý kiến tham gia và trả lời của các Bộ, Ban, ngành.
3. Đối với các đề án quy định tại Khoản 2 Điều 3 Quyết định này, việc lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội thực hiện theo yêu cầu của cơ quan đặt hàng.
4. Đối với các đề án quy định tại Khoản 3 Điều 3 Quyết định này, Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên chủ động tổ chức tư vấn, phản biện và giám định xã hội và gửi kết quả tới cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội
1. Cung cấp đầy đủ, kịp thời những thông tin, tư liệu cần thiết, bảo đảm các điều kiện về thời gian, kinh phí và sử dụng cơ sở vật chất (trên cơ sở thỏa thuận trước) cho Liên hiệp Hội Việt Nam hoặc các hội thành viên.
Đối với đề án quy định tại Khoản 3 Điều 3 Quyết định này, tùy theo khả năng cụ thể, cơ quan chủ trì đề án hoặc cấp có thẩm quyền tạo điều kiện thuận lợi để Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
2. Tiếp nhận, nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất trong văn bản tư vấn, phản biện và giám định xã hội để hoàn thiện đề án; trả lời các ý kiến không tán thành.
Điều 7. Trách nhiệm của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên
1. Thực hiện đúng yêu cầu về nội dung, thời gian gửi báo cáo tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo quy định tại Điều 4 và Khoản 2, Khoản 3 Điều 5 và bảo đảm mục tiêu của hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội tại Quyết định này.
2. Quản lý, bảo mật các hồ sơ, tư liệu của đề án được cung cấp theo quy định, hoàn trả các phương tiện kỹ thuật nếu được giao sử dụng sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Điều 8. Cơ chế tài chính
1. Nguồn kinh phí để thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với đề án quy định tại Điều 3 Quyết định này do ngân sách nhà nước bố trí hàng năm từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ. Liên hiệp Hội Việt Nam có trách nhiệm huy động các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Hàng năm, Liên hiệp Hội Việt Nam lập kế hoạch nội dung và dự toán kinh phí tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các đề án quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 3 Quyết định này gửi Bộ Khoa học Và Công nghệ và Bộ Tài chính tổng hợp trong dự toán chi ngân sách nhà nước để thực hiện.
Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Liên hiệp hội địa phương lập kế hoạch nội dung và dự toán kinh phí tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các đề án quy định tại Điểm c Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 3 Quyết định này gửi Sở Tài chính tổng hợp trong dự toán chi ngân sách địa phương để thực hiện.
2. Kinh phí thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên đối với các đề án không phải do các cơ quan quy định ở Khoản 2 Điều 3 Quyết định này đặt hàng, được thực hiện trên cơ sở hợp đồng theo quy định của pháp luật.
3. Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế tài chính đối với hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam và Liên hiệp hội địa phương theo quy định tại Điều này.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 05 tháng 4 năm 2014. Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg ngày 30 tháng 01 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ hết hiệu lực kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành.
Điều 10. Tổ chức thực hiện
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan Trung ương khác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP,
TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b). XH 300
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
(Đã Ký)
Vũ Đức Đam
|