Thể lệ Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Dương lần VII (2015-2017) (23/05/2016)
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BAN TỔ CHỨC HỘI THI SÁNG TẠO
KỸ THUẬT TỈNH
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Bình Dương, ngày 14 tháng12năm 2015
THỂ LỆ HỘI THI SÁNG TẠO KỸ THUẬT
TỈNH BÌNH DƯƠNG LẦN THỨ VII NĂM (2015 – 2017)
Thực hiện quyết định 165/2006/QĐ - TTg ngày 14/7/2006 của thủ tướng chính phủ về việc tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật và ý kiến chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật 2 năm một lần, giao cho Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (cơ quan thường trực) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện.
Ban Tổ chức Hội thi tỉnh thống nhất ban hành “Thể lệ Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần VII (2015 – 2017) bao gồm các điều khoản sau:
Điều 1. Mục đích, ý nghĩa
Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Dương năm 2015 - 2017 nhằm đẩy mạnh phong trào lao động sáng tạo kỹ thuật của các cá nhân, các doanh nghiệp, các trường, viện nghiên cứu… trong và ngoài tỉnh; tạo môi trường trao đổi kinh nghiệm, kiến thức và chuyển giao công nghệ; tìm kiếm và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đời sống, an ninh, quốc phòng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Điều 2. Đơn vị tổ chức
Chỉ đạo: Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương
Tổ chức thực hiện:
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Dương (thường trực Ban Tổ chức), Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Điều 3. Tổ chức, cá nhân dự thi
- Cá nhân dự thi: Mọi công dân Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài đang thường trú tại Việt Nam là tác giả của giải pháp dự thi. Trường hợp giải pháp được tạo ra bởi cá nhân hoặc nhóm tác giả trong khi thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước hoặc một đơn vị (gọi tắt là tổ chức) giao thì cá nhân hoặc nhóm tác giả được dự thi nếu được tổ chức cho phép bằng văn bản.
- Tổ chức dự thi: Mọi tổ chức đã được cấp phép hoạt động theo pháp luật Việt Nam, đã đầu tư để tạo ra giải pháp kỹ thuật trên lãnh thổ Việt Nam. Người trực tiếp tham gia sáng tạo được tổ chức cử đứng tên dự thi sẽ là tác giả giải pháp dự thi.
Mỗi cá nhân, tổ chức có thể tham gia dự thi nhiều giải pháp. Thành viên của Ban Tổ chức Hội thi không được tham gia dự thi.
Điều 4. Nội dung giải pháp dự thi
Là các giải pháp sáng tạo kỹ thuật (dụng cụ, máy móc, trang thiết bị, sản phẩm, vật liệu, quy trình công nghệ, biện pháp kỹ thuật...) thuộc các lĩnh vực dự thi, giải quyết được các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực sản xuất và đời sống.
Điều 5. Lĩnh vực dự thi
Hội thi gồm các giải pháp kỹ thuật thuộc các lĩnh vực sau:
1. Lĩnh vực cơ khí - chế tạo máy, xây dựng-giao thông vận tải
2. Lĩnh vực điện - điện tử, viễn thông
3. Lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp
4. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo
5. Lĩnh vực công nghệ thông tin
6. Lĩnh vực tài nguyên và môi trường
7. Lĩnh vực y tế, bảo vệ sức khỏe
Điều 6. Tiêu chuẩn đánh giá giải pháp dự thi
Yêu cầu chung của hồ sơ dự thi là phải có đầy đủ dữ liệu và phân tích để chứng minh 3 tiêu chí đánh giá dưới đây, Hội đồng chấm thi căn cứ vào hồ sơ dự thi và qua trình bày của tác giả trước Hội đồng chấm thi để chấm điểm.
a) Tính mới và tính sáng tạo:
Có tính mới so với trình độ kỹ thuật ở Việt Nam, không trùng với các giải pháp đã được công bố trong bất kỳ nguồn thông tin nào hoặc đã được áp dụng tại Việt Nam hoặc với giải pháp dự thi của người khác trước thời điểm nộp hồ sơ dự thi.
b) Khả năng ứng dụng:
Có khả năng ứng dụng, sử dụng rộng rãi trong điều kiện của tỉnh Bình Dương, đã được đưa vào sản xuất hoặc thử nghiệm có hiệu quả, đủ thông số kỹ thuật để đưa vào áp dụng.
c) Hiệu quả kinh tế - xã hội:
Mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao hơn so với giải pháp tương tự đã biết ở Việt Nam, không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, làm việc của con người và an ninh, trật tự xã hội.
Điều 7. Chấm điểm và xếp giải
Thường trực Ban Tổ chức thực hiện việc sơ tuyển hồ sơ dự thi về mặt nội dung, hình thức trước khi chuyển cho Hội đồng chấm thi. Các giải pháp dự thi phải chưa đoạt giải Hội thi sáng tạo cấp tỉnh trở lên. Trong trường hợp giải pháp dự thi đã đoạt giải Hội thi cấp tỉnh trở lên mà tác giả có bổ sung, phát triển thêm thì phải thuyết minh rõ nội dung bổ sung, phát triển thêm; đồng thời cung cấp đầy đủ hồ sơ cũ đã dự thi.
Mỗi lĩnh vực thi có một Hội đồng chấm thi chuyên ngành gồm các nhà quản lý, các nhà khoa học - công nghệ có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực tương ứng. Quy chế và thang điểm chấm thi do Thường trực Ban tổ chức Hội thi ban hành. Mỗi giải pháp dự thi có 2 chuyên gia phản biện. Nếu giải pháp kỹ thuật nào liên quan đến một vài chuyên ngành, thì Ban Tổ chức sẽ mời thêm chuyên gia của ngành đó tham gia Hội đồng chấm thi. Hội đồng chấm thi tiếp xúc trực tiếp với người dự thi để trao đổi thêm về giải pháp trong quá trình xem xét, đánh giá. Khi Hội đồng yêu cầu, Ban Tổ chức và người dự thi phải tạo điều kiện thuận lợi cho Hội đồng chấm thi đi khảo sát thực tế để đánh giá.
Quyết định xếp giải chung cuộc thuộc thẩm quyền của Ban Tổ chức Hội thi.
Điều 8. Giải thưởng
Giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bình Dương lần thứ VII có tối đa:
- 1 Giải đặc biệt: 30.000.000 đồng
- 7 Giải Nhất, mỗi giải trị giá 20.000.000 đồng
- 14 Giải Nhì, mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng
- 21 Giải Ba, mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng
- 28 Giải Khuyến khích, mỗi giải trị giá 5.000.000 đ
Các giải pháp đoạt giải 3 trở lên sẽ được nhận bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh, các giải pháp đoạt giải khuyến khích sẽ được nhận giấy khen của Ban Tổ chức.
Ban Tổ chức Hội thi tặng giấy khen cho các cá nhân, đơn vị tham gia tích cực trong tuyên truyền, phổ biến và tổ chức Hội thi, các cá nhân có nhiều giải pháp tham dự và đem lại hiệu quả cao.
Ngoài ra, các tác giả có giải pháp tham dự còn được chọn lọc đề nghị tặng bằng khen của Liên đoàn lao động tỉnh, giấy khen của Tỉnh Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cho các đối tượng thuộc độ tuổi thanh niên.
Điều 9. Hồ sơ dự thi
Hồ sơ dự thi được coi là hợp lệ nếu nội dung giải pháp dự thi thuộc các lĩnh vực nêu tại điều 5 của thể lệ này, hồ sơ (theo mẫu) gồm:
- Phiếu dự thi (theo mẫu): nộp 01 bộ;
- Bản mô tả giải pháp dự thi (theo mẫu); bản nhận xét đánh giá; hình ảnh của mô hình, sản phẩm mẫu; hợp đồng và các file tài liệu, nộp 07 bộ;
- Mô hình, sản phẩm mẫu (nếu có): nộp 01 bộ.
Mọi giải pháp dự thi đều sẽ được sơ tuyển để xác định danh sách chính thức được chấp thuận đưa vào chấm điểm và xét giải. Tiêu chuẩn để được chấp thuận là:
- Phiếu dự thi: phải xác định rõ tên, địa chỉ, các thông tin liên quan của tổ chức, cá nhân tham gia dự thi và phải có dấu xác nhận của cơ quan hoặc địa phương nơi tác giả công tác, cư trú;
- Bản mô tả giải pháp:
- Phải bộc lộ được các nội dung công nghệ cơ bản của giải pháp dự thi.
- Có đẩy đủ dữ liệu để xem xét, đánh giá theo 3 tiêu chuẩn nêu ở điều 6.
- Chứng cứ về khả năng áp dụng: phải thể hiện được dưới một hoặc nhiều dạng như: biên bản nghiệm thu, bản vẽ/sơ đồ đầy đủ chi tiết để có thể triển khai; hình ảnh hoặc mô hình thử nghiệm; hợp đồng hợp tác triển khai/chuyển giao/mua bán ...
Hồ sơ dự thi đánh máy, trình bày rõ ràng, không tẩy xóa (trên khổ giấy A4). Nội dung trình bày cần phải đầy đủ các đề mục theo yêu cầu trong phần hướng dẫn của bản mô tả giải pháp, các bản vẽ cần phải rõ ràng, chi tiết, đủ các thông số.
Mỗi giải pháp tham gia dự thi làm riêng một bộ hồ sơ.
Mẫu hồ sơ dự thi và mọi thông tin về Hội thi được đăng trên website: www.lhhkhktbinhduong.vn
Điều 10. Thời gian và địa điểm nộp hồ sơ
- Giải pháp dự thi bắt đầu nộp hồ sơ từ ngày công bố Thể lệ đến hết tháng 12/2016
- Chấm các giải pháp dự thi: tháng 5 và tháng 6 năm 2017.
- Ban tổ chức xét giải: tháng 7 năm 2017.
- Lễ tổng kết và trao giải: tháng 10 năm 2017.
- Địa chỉ nộp hồ sơ: “Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Dương - Số 26, đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
ĐT/Fax: (0650) 3840554 - DĐ: 0983.309.726 (đ/c Nga), 0989.910.516 (đ/c Mai) - Email: Truong.kieunga89@gmail.com
Hồ sơ được đựng trong một phong bì kín, ngoài bì ghi:
“ HỒ SƠ DỰ THI SÁNG TẠO KỸ THUẬT TỈNH BÌNH DƯƠNG
LẦN THỨ VII NĂM (2015 – 2017)”
Hồ sơ có thể nộp trực tiếp theo địa chỉ trên hoặc gửi qua đường bưu điện (bằng thư bảo đảm).
Hồ sơ dự thi được tiếp nhận, xem xét, lưu trữ như tài liệu mật. Ban Tổ chức sẽ không hoàn lại hồ sơ cho người dự thi.
Điều 11. Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
Việc tham gia Hội thi không thay thế cho việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Khi phát hiện giải pháp hoặc sản phẩm sản xuất theo kỹ thuật của giải pháp có khả năng bảo hộ độc quyền, người dự thi sẽ được hướng dẫn để xúc tiến các thủ tục liên quan theo pháp luật về sở hữu công nghiệp hiện hành.
Điều 12. Tài chính
Nguồn kinh phí: Kinh phí cho Hội thi được lấy từ kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ tỉnh; bên cạnh đó, Ban Tổ chức có thể vận động sự tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.
Kinh phí dành cho Hội thi được chi cho các mục đích:
- Thưởng, tặng quà lưu niệm cho các cá nhân, tập thể đoạt giải;
- Tổ chức triển khai (Lễ trao giải-phát động, vận động tham ra Hội thi, khảo sát các giải pháp, tra cứu, văn phòng phẩm, chấm thi, tuyên truyền, sơ tuyển, điện thoại, fax…).
- Trao đổi học tập kinh nghiệm;
- Khen thưởng các cá nhân, đơn vị có thành tích trong tổ chức Hội thi;
- Chi khác.
Điều 13. Tổ chức thực hiện
- Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Liên đoàn Lao Động tỉnh, đoàn TNCS HCM tỉnh và các Sở, Ban ngành khác có công văn chỉ đạo gửi theo ngành dọc của mình để tổ chức triển khai tham dự Hội thi. Việc chỉ đạo này cần cụ thể để Hội thi được phổ biến sâu rộng và có nhiều giải pháp tham dự Hội thi.
- Từ kết quả thực tế tổ chức Hội thi, thường trực Ban Tổ chức lựa chọn giải pháp tham dự Hội thi kỹ thuật Toàn quốc.
Điều 14. Điều khoản thi hành.
Thể lệ này được Ban Tổ chức Hội thi xem xét thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày Cơ quan Thường trực Hội thi ra Quyết định ban hành. Trong quá trình thực hiện, nếu có điểm nào chưa hợp lý, Cơ quan Thường trực trình Ban Tổ chức xem xét, sửa đổi cho phù hợp.
TM. BAN TỔ CHỨC HỘI THI
TRƯỞNG BAN