Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh (28/04/2025)
Sau những thắng lợi vang dội của các chiến dịch Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên, tàn quân chế độ Việt Nam Cộng hòa rút về co cụm cố thủ tại Sài Gòn. Trước tình hình đó, Bộ Chính Trị tổ chức cuộc họp ngày 25/3/1975 quyết định giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975.
Theo sự phân công của Bộ chính trị, ngày 25 tháng 3 năm 1975, đồng chí Lê Đức Thọ vào Lộc Ninh để cùng các đồng chí Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Ngày 1/4/1975 Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh được thành lập ở căn cứ giải phóng miền Nam tại ấp Tà Thiết Krom, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Sau quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh, với tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo. bất ngờ, chắc thắng” với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”, để trực tiếp chỉ huy chiến dịch ngay từ đầu, sát với tình hình chiến trường, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị chuyển về ấp Căm Xe, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Tại đây, Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh mà trực tiếp là Đại tướng Văn Tiến Dũng tư lệnh chiến dịch, chính ủy Phạm Hùng đã trực tiếp chỉ đạo chiến dịch từ lúc mở màn cho đến kết thúc thắng lợi ngày 30/4/1975.
Chiến dịch Hồ Chí Minh, hay là Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định, là chiến dịch cuối cùng của cuộc Chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975. Chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra từ ngày 26/4-30/4/1975 do tư lệnh Đại tướng Văn Tiến Dũng và chính ủy thiếu tướng Phạm Hùng chỉ huy. Đây là chiến dịch hiệp đồng tác chiến quân binh chủng lớn nhất trong lịch sử dân tộc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam. Tham gia chiến dịch gồm có bốn quân đoàn chủ lực, một binh đoàn 232 (tương đương một quân đoàn) cùng với các đơn vị khác như công binh, pháo binh, tăng thiết giáp, phòng không không quân, thông tin...Tổng quân số chủ lực khoảng 200.000 người cùng với hàng vạn bộ đội địa phương, dân quân du kích và quần chúng nhân dân của khu 7 và khu 9, cùng với đó là 1.000 khẩu pháo các loại, 500 xe tăng và nhiều phương tiện chiến tranh khác.
Quân giải phóng được chia làm 5 hướng tiến công vào Sài Gòn:
- Quân Đoàn 1 trên hướng Bắc do thiếu tướng Nguyễn Hòa làm tư lệnh, chính ủy thiếu tướng Hoàng Minh Thi chỉ huy, có nhiệm vụ chính giải phóng Bình Dương và tấn công vào Bộ Tổng Tham mưu Ngụy.
- Quân Đoàn 2 trên hướng Đông Nam do thiếu tướng Nguyễn Hữu An làm tư lệnh, chính ủy thiếu tướng Lê Linh chỉ huy có nhiệm vụ chính giải phóng Bà Rịa Vũng Tàu, chi khu Nhơn Trạch và tấn công vào Dinh Độc Lập (trụ sở của chính quyền ngụy).
- Quân Đoàn 3 trên hướng Tây Bắc do thiếu tướng Vũ Lăng làm tư lệnh, chính ủy đại tá Đặng Vũ Hiệp chỉ huy có nhiệm vụ giải phóng Tây Ninh, Củ Chi và tấn công vào Sân bay Tân Sơn Nhất.
- Quân Đoàn 4 trên hướng Đông do tư lệnh thiếu tướng Hoàng Cầm, chính ủy thiếu tướng Hoàng Thế Thiện chỉ huy có nhiệm vụ giải phóng thành phố Biên Hòa, huyện Thủ Đức và tấn công vào Bộ Quốc Phòng ngụy.
- Binh đoàn 232 trên hướng Tây Nam do tư lệnh trung tướng Lê Đức Anh, chính ủy thiếu tướng Lê Văn Tưởng chỉ huy có nhiệm vụ giải phóng thành phố Mỹ Tho, huyện Bến Lức, trạm radar Phú Lâm tấn công vào Biệt Khu Thủ Đô và Tổng Nha Cảnh Sát ngụy.
Về phía địch: sau khi thất bại ở Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng tàn binh địch rút về cố thủ tại Sài Gòn. Chúng bố trí thành ba tuyến phòng thủ.
- Tuyến phòng thủ từ xa cách Sài Gòn hơn 30km bao gồm Mỹ Tho, Trảng Bàng, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Nhơn Trạch, Bà Rịa -Vũng Tàu,...
- Tuyến phòng thủ ở ngoại ô xung quanh Sài Gòn bao gồm Củ Chi, Hóc Môn, Cần Giờ, Thủ Đức, Nhà Bè.
- Tuyến phòng thủ ở các quận trong nội thành Sài Gòn được chia thành các liên khu, mỗi liên khu gồm có 2 quận do các đơn vị bảo an chốt giữ, trong đó có năm vị trí phòng thủ quan trọng: Sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt Khu Thủ Đô, Tổng Nha Cảnh Sát, Bộ Tổng Tham Mưu và Dinh Độc Lập. Tổng số binh lính địch khoảng 245000 tên được trang bị nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại do Mỹ viện trợ.
Đúng 17 giờ ngày 26/4/1975 quân ta nổ súng tiến công vào các vị trí phòng thủ của kẻ thù, nhiều trận chiến ác liệt đã diễn ra như là trận đánh sân bay Biên Hòa, chi khu Nhơn Trạch, căn cứ Đồng Dù…Với tư tưởng “Thần tốc, Táo bạo, Bất ngờ, Chắc thắng” và tinh thần anh dũng, quyết chiến bất chấp hy sinh để đánh bại kẻ thù, áp dụng chiến thuật “đánh nở hoa trong lòng địch” các đơn vị ta đã táo bạo tổ chức các mũi đột kích mạnh đánh thọc sâu vào căn cứ địch; Chiều 28/4/1975 phi đội Quyết Thắng do Nguyễn Thành Trung dẫn đường đã dùng 5 máy bay A37 thu được của địch cất cánh từ sân bay Thành Sơn - Phan Rang bất ngờ ném bom sân bay Tân Sơn Nhất phá hủy nhiều máy bay và đường băng, khiến cho địch không thể di tản bằng đường không, sau đó hạ cánh an toàn xuống sân bay Biên Hòa. Đến cuối ngày 28/4/1975 hầu hết các tuyến phòng thủ xung quanh Sài Gòn bị phá vỡ tổng thống ngụy Trần Văn Hương từ chức, tướng Dương Văn Minh lên thay. Vừa nhận chức, Dương Văn Minh đã kêu gọi binh lính “tử thủ”. Ngày 29/4/1975 quân ta tiếp tục tấn công vào Sài Gòn, sau 2 ngày chiến đấu ta đã làm chủ những vị trí quan trọng, lúc 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975 xe tăng quân đoàn 2 tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập báo hiệu sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn do Mỹ hậu thuẫn trong 21 năm qua (1954-1975).

Cuối tháng 3/1975, đồng chí Lê Đức Thọ từ miền Bắc vào Nam cùng đồng chí Phạm Hùng và Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn
(Bức ảnh lịch sử ghi lại khoảnh khắc ở Bộ chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh vào thời điểm 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975). (Ảnh tư liệu)

Bức ảnh xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập do nữ phóng viên người Pháp Francoise Demulder chụp trưa ngày 30/4/1975.

Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng vô điều kiện trên Đài phát thanh Giải Phóng. (Ảnh tư liệu)

Nhân dân Sài Gòn chào mừng các anh giải phóng quân ngày 30/4/1975. (Ảnh tư liệu)
Di tích Sở chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh là di tích duy nhất, tiêu biểu nhất phản ánh sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy trung ương và trực tiếp là của Trung ương Cục, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh chiến dịch, của các đồng chí lãnh đạo chỉ huy các cấp và toàn thể cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng vũ trang nhân dân tham gia chiến dịch. Mặc dù là một cơ quan tạm thời, hoạt động trong thời gian ngắn (trong khoảng thời gian từ 26/4 – 30/4/1975) nhưng Di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh là một trong những địa điểm quan trọng quyết định sự chỉ đạo đúng đắn và sáng suốt, trực tiếp, nhanh nhẹn nhằm tạo thuận lợi cho thắng lợi của quân và dân ta trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của Bộ chính trị giao cho giải phóng Sài Gòn - Gia Định, giải phóng Miền Nam trước mùa mưa, kết thúc thắng lợi 30 năm đấu tranh cách mạng và khởi nghĩa vũ trang của nhân dân ta một cách trọn vẹn với thời gian nhanh nhất.

Hầm chỉ huy, bếp Hoàng Cầm, chòi canh gác tại di tích Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh (ảnh chụp năm 2024)

Hầm chỉ huy tại di tích Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh
(ảnh chụp năm 2024)
Với tầm vóc lịch sử to lớn cùng với ý nghĩa chính trị quan trọng, Sở chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia ngày 11/5/2010.
Năm 1987 đại tướng Văn Tiến Dũng cùng một số đồng chí cán bộ miền về thăm và xác định vị trí trên cơ sở những dấu tích còn lại. Sau đó huyện đội Bình Long và nhân dân xã Minh Thạnh đã xây dựng bia làm mốc đánh dấu tại nơi đây. Đến ngày 20/8/1990, Bảo Tàng Quân Khu 7 xây dựng bia khác cách tấm bia cũ khoảng 3m, có chiều cao 15m, chiều ngang 1,5m, bia được làm bằng chất liệu bê tông cốt thép. Đến năm 2005 được trùng tu lại bằng đá hoa cương.
Hiện nay, di tích Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đầu tư nhiều hạng mục nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích như: Bia đánh dấu sự thành lập, nhà trưng bày, hầm chỉ huy, chòi canh, bếp Hoàng Cầm, đường nội bộ, hệ thống chiếu sáng,…
Tài liệu tham khảo
1. Đại tướng Văn Tiến Dũng (1976), Đại thắng mùa xuân, NXB Quân đội nhân dân.
2. Nhiều tác giả (2005), Thời khắc lịch sử chiến dịch Hồ Chí Minh, NXB Quân đội nhân dân.
3. Hồ sơ di tích cấp quốc gia Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh lưu trữ tại Bảo tàng Bình Dương.
4. Tư liệu điền dã cá nhân.