Tạo chế phẩm đạm hòa tan từ trùn quế (Perionyx excavatus) (09/04/2018)
Hiện nay, mô hình nuôi trùn quế đang được xem là mô hình mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi và phù hợp với nhiều hộ gia đình nông thôn. Bên cạnh đó, việc ứng dụng thành công mô hình này còn giúp người nông dân tận dụng được nguồn thức ăn; bổ sung và chủ động nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm… Không những thế, phân trùn quế còn được dùng để bón cho các loại cây trồng.
Trùn quế (Perionyx excavatus) còn được gọi là giun đỏ hay giun mồi câu, có hàm lượng protein rất cao, chiếm đến 68 - 70% vật chất khô, lipid 7 - 8%, hydratcarbon 12 - 14% và tro 11 -12%. Trùn quế thuộc nhóm trùn ăn phân, có thân hình nhỏ, dài khoảng 10 - 15cm, thân mảnh như que đan len, có màu nâu tím, ánh bạc và sống ẩn nấp dưới các hòn gạch, hòn đá, các miếng gỗ hay dưới các lớp phân, rãnh nước cạnh chuồng heo, trâu bò.
Bên cạnh đó, trùn quế là đối tượng có khả năng tự phân, nhưng quá trình tự phân nhờ hệ protease nội tại thường kéo dài, mùi hôi khó chịu và hiệu suất không cao. Trong khi đó, hệ enzyme protease từ Bacillus subtilis có khả năng thủy phân được nhiều loại protein khác nhau, hoạt động tốt trong giới hạn nhiệt độ và pH rộng. Bổ sung protease vào dịch tự phân trùn quế có thể rút ngắn được thời gian tự phân và gia tăng hàm lượng đạm trong dịch tự phân.
Mặc dù, trùn quế tươi có hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng việc sử dụng trùn quế tươi lại gây khó khăn trong quá trình bảo quản, sử dụng và thương mại hóa. Vì vậy, để khắc phục những vấn đề trên, nhiều cơ sở nuôi trùn đã thủy phân trùn quế thành dịch. Dịch trùn quế có ưu điểm: Dễ dàng sử dụng khi phun lên thức ăn, vât nuôi, hòa vào nước làm thức ăn cho thủy sản hay phun lên cây trồng. Tuy nhiên, việc sản xuất dịch trùn hiện nay đã và đang gặp trở ngại do thời gian thủy phân trùn quế quá dài và trùn quế chưa được thủy phân hoàn toàn, không thu được hết lượng đạm có trong trùn quế. Chính vì những lý do trên, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu tạo chế phẩm đạm hòa tan từ trùn quế (Perionyx excavatus)” nhằm xây dựng quy trình thu nhận và tạo chế phẩm dịch đạm từ trùn quế.
Để đạt được mục tiêu đề ra, nhóm nghiên cứu đã vận dụng các phương pháp thủy phân; xác định đạm tổng theo phương pháp Kjedalh; xác định hoạt tính protease bằng phương pháp Anson… để xác định ảnh hưởng của một số yếu tố lên khả năng thu nhận dịch đạm từ trùn quế.
Theo đó, trùn quế được xử lý theo các nghiệm thức khác nhau (xay nhuyễn hoặc nguyên con). Kết quả nghiên cứu dựa trên quy mô thí nghiệm cho thấy, trùn quế có thể tự phân tốt trong điều kiện để nguyên con, không khuấy trộn và giữ nhiệt độ 550C. Hiệu suất thu nhận đạm hòa tan cao nhất sau 72 giờ, đạt 86.2%.
Đồng thời, tác giả đã bổ sung enzym protease từ vi khuẩn Bacillus subtilis vào dịch trùn quế sau 24 giờ tự phân nhằm nâng cao khả năng thu nhận dịch đạm hòa tan từ trùn quế. Kết quả cho thấy, hiệu suất thu nhận đạm hòa tan trong dịch trùn cao nhất khi bổ sung protease với hoạt độ 2.5 UI/100ml dịch tự phân, thủy phân ở 350C trong thời gian 8 giờ, đạt 81.96% tăng 12.13% so với khi không có bổ sung protease.
Sau đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình thủy phân trùn quế trên quy mô pilot với mỗi mẻ thủy phân 10kg trùn quế và đã tạo ra dịch trùn quế có hàm lượng nitơ tổng số đạt 16.5g/lít. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn cơ sỏ cho sản phẩm dịch trùn quế thủy phân. Và sau 04 tháng bảo quản ở nhiệt độ phòng, sản phẩm có hàm lượng nitơ tổng số và các giá trị cảm quan không thay đổi khi bổ sung 5% NaCl…
Theo đó, kết quả nghiên cứu đề tài này có thể giúp cho việc sản xuất chế phẩm dịch trùn quế thủy phân và cung cấp cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, các cơ sở sản xuất phân bón lá hoặc sản xuất dung dịch dinh dưỡng hữu cơ dùng cho trồng cây thủy canh; chuyển giao quy trình sản xuất dịch đạm từ trùn quế cho các cơ sở chăn nuôi trùn hoặc sản xuất các sản phẩm từ trùn quế.
Thanh Tuyền (nguồn ThS Trần Ngọc Hùng, báo cáo tổng kết đề tài “Nghiên cứu tạo chế phẩm đạm hòa tan từ trùn quế (Perionyx excavatus))