Tín ngưỡng của người Việt ở Bình Dương (24/12/2015)
Bình Dương là tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ và là một vùng đất mới. Trong quá trình khai hoang, mở đất, làn sóng di cư từ khắp mọi miền đất nước với mọi ngành nghề đã đến Bình Dương khai phá, lập nghiệp.
Trong quá trình di dân đã mang theo văn hóa và tín ngưỡng của nhiều vùng miền khác nhau đến Bình Dương, làm cho tín ngưỡng Bình Dương ngày càng đa dạng và phong phú. Đó là sản phẩm của quá trình giao thoa văn hóa giữa các cộng đồng cư dân sống cộng cư và cận cư. Điều đó cho thấy, diện mạo các yếu tố của tín ngưỡng của từng tộc người cư trú trong bức tranh chung về tín ngưỡng ở Bình Dương, đặc biệt là tín ngưỡng dân tộc Việt.
Theo đó, nét đặc sắc trong tín ngưỡng người Việt ở Bình Dương thể hiện ở chỗ, một mặt nó vừa là những đặc trưng riêng chỉ có ở miền đất này, đồng thời lại có cả những nét giao thoa, tiếp biến tín ngưỡng, văn hóa, tập quán của người dân nhập cư, sự giao thoa vùng miền… Chính điều ấy, đã làm phong phú thêm truyền thống văn hóa, tập quán, tín ngưỡng của người Việt.
Phát triển cùng với các yếu tố giao thoa văn hóa, quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế cũng làm biến đổi những tín ngưỡng của người Việt trên vùng đất này, mỗi dân tộc đều có một tín ngưỡng riêng. Cụ thể, chúng được thể hiện thông qua các lễ hội như: Lễ Kỳ Yên; cũng tổ nghề ở miếu Mộc tổ; lễ hội rước Cộ Bà - Chùa Bà… góp phần làm phong phú thêm cho các hoạt động tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, cùng với quá trình đô thị hóa, sự phát triển kinh tế, xã hội mạnh mẽ tại Bình Dương đã thu hút lao động ở khắp các vùng miền trong cả nước, lao động nước ngoài cũng tìm đến đây như một địa điểm lý tưởng cho công ăn, việc làm. Đồng thời, chính những tín ngưỡng dân gian phong phú ấy đã tạo nên đời sống tín ngưỡng đa dạng cho vùng đất Bình Dương.
Cùng với tính đa dạng và phong phú, phức tạp đó, hoạt động tín ngưỡng của người Việt ở Bình Dương biến đổi theo nhiều xu hướng khác nhau dưới tác động quá trình đô thị hóa và hội nhập kinh tế. Và một trong những yếu tố nhạy cảm đó là các thế lực thù địch luôn muốn lợi dụng hoạt động tín ngưỡng làm phương tiện để phục vụ cho mục đích chính trị dưới chiêu bài can thiệp với màu sắc “Nhân quyền, dân chủ, tôn giáo”. Việc truyền đạo trái phép do các tổ chức từ nước ngoài hỗ trợ tài chính và chỉ đạo đã “tiềm ẩn những nhân tố có thể gây mất ổn định”, khiến tình hình hoạt động tín ngưỡng có những diễn biến phức tạp và tệ nạn mê tín dị đoan có chiều hướng gia tăng, gây ra nhiều hiệu quả tiêu cực…
Chính vì những lý do trên, nhóm tác giả đã thực hiện đề tài “Tín ngưỡng của người Việt ở Bình Dương trong tiến trình đô thị hóa” với mong muốn làm rõ lịch sử, thực trạng và xu hướng biến đổi tín ngưỡng người Việt ở Bình Dương trong tiến trình đô thị hóa, nhằm đề xuất những giải pháp quản lý hoạt động tín ngưỡng một cách hiệu quả, cụ thể: Tìm hiểu lịch sử của các loại hình tín ngưỡng và tác động của tiền trình đô thị hóa tới tín ngưỡng người Việt ở Bình Dương; xu hướng biến đổi, thích nghi của từng loại hình tín ngưỡng; công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng và các nhóm giải pháp về công tác quản lý, hiệu quả của chính sách quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín ngưỡng ở Bình Dương.
Thanh Thanh (nguồn báo cáo tổng kết đề tài “Tín ngưỡng của người Việt ở Bình Dương trong tiến trình đô thị hóa” của TS. Vũ Quang Hà)