Hoạt động xuất khẩu Việt Nam sang các nước CPTPP tháng 7 vẫn duy trì tăng trưởng (20/07/2021)
Trong bối cảnh dịch covid-19 trong nước diễn ra phức tạp, ngành công nghiệp tiếp tục vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng giúp cho hoạt động xuất khẩu của nước ta duy trì ổn định và tăng nhẹ trong tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021.
Theo số liệu của Bộ Công thương tổng hợp, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường CPTPP tháng 7/2021 đặt 7,9 tỷ USD, tăng 0,51% so với tháng 6/2021 và tăng 22,16% so với tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, tổng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và thị trường CPTPP đạt 52 tỷ USD, tăng 23,36% so với cùng kỳ năm 2020 và bằng 13,68% tổng kim ngạch thương mại hai chiều của cả nước, giảm nhẹ so với tỷ trọng 14,71% của 7 tháng năm 2020.
Tháng 7/2021, Việt nam xuất siêu 59,08 triệu USD sang thị trường CPTPP, tăng 60,52% so với tháng 6/2021 và giảm 22,58% so với tháng 7/2020. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, Việt Nam xuất siêu 86,28 triệu USD hàng hóa sang thị trường này, giảm 75,94% so với mức xuất siêu của 7 tháng năm 2020.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường các nước thành viên CPTPP trong tháng 7/2021 đặt 3,98 tỷ USD, tăng 0,79% so với tháng 6/2021 và tăng 21,64% so với tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này đạt 26,04 tỷ USD, tăng 22,52% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 13,98% tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của Việt nam, bị thu hẹp so với tỷ trọng 14,4% trong 7 tháng đầu năm 2020.
Trong tháng 7/2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt nam sang các thị trường Nhật Bản, Singapore, Canada, Malaysia… giảm thì xuất khẩu sang các thị trường Chile, Peru, Úc… lại tăng khá so với tháng 6/2021. So với tháng 7/2020, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang 10 thị trường thành viên đều tăng trưởng cao.
Thị trường xuất khẩu hàng công nghệ cao của Việt Nam có sự chuyển biến rõ rệt. Một trong những nguyên nhân lý giải cho sự thay đổi này đó là các nhóm sản phẩm thuộc hàng công nghệ cao đã có sự thay đổi, đặc biệt là mặt hàng điện thoại và phụ kiện xuất khẩu trong những năm gần đây. Trong tháng 7/2021, xuất khẩu một số mặt hàng như máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện… của Việt Nam sang thị trường CPTPP tăng trưởng mạnh so với tháng 6/2021 và tháng 7/2020. Tuy nhiên, xuất khẩu một số mặt hàng như dệt may, máy vi tính và linh kiện, giày dép… lại giảm.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng của Việt Nam sang thị trường CPTPP đều tăng trưởng ở mức cao trừ một số mặt hàng tăng chậm như dệt may hay một số mặt hàng giảm như dầu thô, túi xách vali ô dù, gạo, thức ăn gia sức… Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng giảm này chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt nam sang thị trường CPTPP.
Đáng chú ý, xuất khẩu dệt may chỉ tăng 2,6%, do đó tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt nam sang CPTPP đã bị thu hẹp mạnh từ 13,04% của 7 tháng năm 2020 xuống còn 10,92% trong 7 tháng đầu năm 2021.
Có được kết quả như trên, không chỉ có sự nỗ lực của các doanh nghiệp mà vai trò của nhà nước trong bối cảnh có tầm quan trọng không nhỏ. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, Bộ Công thương đã bám sát diễn biến thị trường để xử lý kịp thời, đồng thời lắng nghe, tìm hướng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ, tăng trao đổi trực tiếp, hạn chế giấy tờ; xây dựng các cơ chế chính sách thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược với thể chế là nền tảng.
Lấy phát triển, hiệu quả của doanh nghiệp và sự hài lòng và người dân làm thước đo của quá trình đổi mới và tái cơ cấu. Lấy doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi; tái cơ cấu mạnh mẽ ngành công nghiệp; chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường các nước thành viên CPTPP trong tháng 7/2021 đặt 3,92% tỷ USD, tăng 0,23% so với tháng 6/2021 và tăng 22,70% so với tháng 7/2020. Tính chung 7 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường này đạt 25,96 tỷ USD, tăng 24,21% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 13,75% tổng trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt nam, bị thu hẹp so với tỷ trọng 15,04% của cùng kỳ năm 2020.
Hoạt động xuất khẩu có tác động nhân quả tới tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trong bối cảnh dịch covid-19 hiện nay, nếu các doanh nghiệp lớn hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động với thời gian vài tháng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các đơn hàng đã ký kết và lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu trong thời gian tới. Trước tình hình trên, ngành công thương sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Ứng dụng công nghệ hỗ trợ ngành hàng thế mạnh để xuất khẩu, kết nối cung cầu các ngành hàng trong và ngoài nước.
Ngọc Trang