Bình Dương huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển kinh tế hướng đến xây dựng thành phố thông minh (12/10/2022)
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bình Dương là tỉnh dẫn dầu cả nước về thu hút vốn FDI với hơn 2,5 tỷ USD, kế đến là tỉnh Bắc Ninh với 1,65 tỷ USD và thành phố Hồ Chí Minh với hơn 1,3 tỷ USD.
Nhờ có lợi thế về hạ tầng khu công nghiệp hiện đại, cơ bản hoàn chỉnh, Bình Dương đã trở thành điểm đến được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn. Bên cạnh đó, vào ngày 21/6/2022, tại Lễ công bố danh sách "Top 7 cộng đồng thông minh thế giới", Bình Dương tiếp tục được vinh danh lần thứ tư liên tiếp (lần đầu tiên vào năm 2019) là một trong 21 thành phố có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu nhất thế giới (Smart 21) và là lần thứ hai được vinh danh trong danh sách "Top 7".
Xây dựng thành phố thông minh
Đề án thành phố thông minh Bình Dương đã được khởi động từ tháng 11/2016, đến nay vừa tròn 6 năm. Đề án tập trung vào hướng phát triển hệ thống giáo dục nghiên cứu khoa học, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất kỹ thuật cao có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), làm đòn bẩy cho các hạng mục đầu tư đã có trong vùng, tạo ra thêm nhiều địa bàn cư trú và làm việc cho các doanh nghiệp mới cùng công dân và áp dụng những bài học kinh nghiệm tốt nhất từ các nước tiên tiến trên thế giới, bắt đầu từ cơ sở là Eindhoven - Hà Lan.
Với trọng tâm là tiếp thu và triển khai mô hình Ba Nhà ở Bình Dương, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh địa phương. Mô hình này tạo điều kiện cho sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học/ Viện, trường. Bên cạnh đó, mô hình cũng sẽ hỗ trợ chính quyền Bình Dương tiếp tục tiến hành chương trình cải cách hành chính sâu rộng hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho kinh tế, xã hội phát triển.
Tỉnh Bình Dương trở thành địa phương đầu tiên của Việt Nam trở thành thành viên của ICF và cũng là địa phương duy nhất của Việt Nam vinh dự được vinh danh là một trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới liên tiếp từ năm 2019 đến nay. Để tiếp nối và mở rộng hơn nữa Đề án, Bình Dương tiếp tục triển khai Đề án “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương” với kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm thúc đẩy và xây dựng nền tảng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và rộng hơn là văn hóa đổi mới sáng tạo bền vững.
Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương sẽ là đề án có giải pháp liên ngành, nhiều lớp, có liên quan và tác động đến nhiều khía cạnh của đời sống xã hội, từ quy hoạch đô thị, đến xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế cân bằng, chuyển đổi số và công nghiệp 4.0 đến phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, trong thời gian tới, Bình Dương quy hoạch giao thông đô thị ứng dụng mô hình TOD - mô hình xây dựng chuỗi đô thị dọc theo tuyến giao thông công cộng. Từ đó, sẽ nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới và phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, dần tăng tỷ trọng kinh tế số.
Tỉnh Bình Dương cũng đã đưa ra quan điểm ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông theo hướng đô thị hóa, xây dựng thành phố thông minh, tạo tiền đề, làm động lực phát triển kinh tế xã hội nhanh, bên vững; ưu tiên tập trung đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, huyết mạch, có tác động lan tỏa, đặc biệt là các tuyến đường kết nối Vùng.
Đến nay, Bình Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất của cả nước (82%) với 3 thành phố và 2 thị xã (2 thị xã đã có chủ trương lên thành phố trực thuộc tỉnh); sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Hiện tỉnh có 48 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích lên đến hơn 11.000ha, chiếm 1/4 diện tích Khu công nghiệp toàn miền Nam. Bình Dương đã và đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Bình Dương thu hút FDI
Toàn tỉnh hiện có 29 KCN tập trung với tổng diện tích gần 12.663ha, trong đó có 27 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích gần 10.963ha, có tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 91,07%. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, tình hình đầu tư vào các KCN tiếp tục đạt kết quả khả quan, đã thu hút 10.349 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước từ 19 dự án đầu tư mới và 4 dự án tăng vốn bổ sung. Cùng thời gian này thu hút 2,57 tỷ USD vốn FDI, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó có 47 dự án đầu tư mới với tổng vốn 1,6 tỷ USD và 113 dự án tăng vốn bổ sung thêm 974 triệu USD.
Tính chung đến nay, các KCN tại Bình Dương có 3.032 dự án còn hiệu lực, bao gồm 2.353 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 28,1 tỷ USD và 679 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 88.210 tỷ đồng. Hiện đã có 2.546 doanh nghiệp đi vào hoạt động, trong đó có 2.053 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 493 doanh nghiệp đầu tư trong nước. Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, ước tính năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đạt gần 39,4 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 23,2 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt hơn 20,7 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ; thuế và các khoản nộp ngân sách đạt 564 triệu USD. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp giải quyết việc làm cho 503.710 lao động, tăng 21.438 người so với năm 2021; thu nhập bình quân của lao động trực tiếp sản xuất đạt 7,3 triệu đồng/người/tháng.
Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt 2 tỷ 527 triệu đô la Mỹ, bằng 180% so với cùng kỳ năm 2021. Bao gồm: 30 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư là 1 tỷ 786 triệu đô la Mỹ, bằng 407% so với cùng kỳ năm 2021; 12 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 16,6 triệu đô la Mỹ; 82 lượt dự án đăng ký góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị góp vốn là 724,2 triệu đô la Mỹ, bằng 382% về vốn so với cùng kỳ năm 2021.
Có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương. Trong đó 10 quốc gia và vùng lãnh thổ là Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Samoa, Hàn Quốc, B.V.I, Hồng Kông, Cayman Islands, Trung Quốc và Đan Mạch có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 32,5 tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn 82,1% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Đài Loan đứng đầu với 859 dự án có tổng số vốn đăng ký hơn 6,27 tỷ đô la Mỹ, chiếm 26% về số dự án và 19% về số vốn. Nhật Bản đứng thứ 2 với 333 dự án, tổng vốn đăng ký là 5,86 tỷ đô la Mỹ, chiếm 10% về số dự án và 18% về số vốn. Singapore đứng thứ 3 với 277 dự án, tổng vốn đăng ký là 5,4 tỷ đô la Mỹ, chiếm 8% về số dự án và 17% về số vốn.
Số vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng qua các năm (năm 2016 là 25 tỷ 987 triệu đô la Mỹ; năm 2017 là 28 tỷ 577 triệu đô la Mỹ; năm 2018 là 32 tỷ 308 triệu đô la Mỹ; năm 2019 là 34 tỷ 336 triệu đô la Mỹ; năm 2020 là 35 tỷ 502 triệu đô la Mỹ; năm 2021 là 37 tỷ 735 triệu đô la Mỹ; 6 tháng đầu năm 2022 là 39 tỷ 556 triệu đô la Mỹ), tập trung chủ yếu ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với 3.508 dự án với tổng 29 tỷ đô la Mỹ, chiếm 73,3% tổng vốn đăng ký.
Với chủ trương, đường lối và chính sách của chính quyền Bình Dương, cùng với sự tăng trưởng của khu vực và các hiệp định thương mại, hàng loạt nhà đầu tư trong và ngoài nước đang đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nơi mà Bình Dương đang là một trong bốn tỉnh chủ chốt. Với vị trí thuận lợi, và với một sức mạnh công nghiệp, cơ sở hạ tầng, đô thị sẵn có, Bình Dương hoàn toàn đủ điều kiện để tiến lên một tầm cao mới về phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Trung Hiếu