Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ là giải pháp then chốt (21/01/2022)
Bình Dương là một tỉnh có chỉ số phát triển công nghiệp cao, GDP nông nghiệp chỉ chiếm hơn 3%. Tuy nhiên, Bình Dương cũng có những điều kiện, tiểm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái; Công ty cổ phần Anova Agri Bình Dương; doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Ba Huân… với sự đa đạng ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tưới và nhiều loại máy móc cơ giới hóa được áp dụng trong sản xuất giống, thâm canh canh trồng, vật nuôi… Tỉnh cũng chú trọng quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bình Dương theo hướng chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường gắn với việc mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc thù, có lợi thế của tỉnh, đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã có 111 trang trại được chứng nhận VietGAP, trong đó, lĩnh vực trồng trọt là 75 trang trại, chăn nuôi là 36 trang trại. Năm 2020, diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt của Bình Dương đã đạt trên 5.345 ha với các loại cây trồng có giá trị, như rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh..., được ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến như giống chất lượng cao, nhà lưới, tưới tự động, điều khiển ra hoa trái vụ... Điển hình tại Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao An Thái ở huyện Phú Giáo với tổng diện tích thực hiện dự án hơn 410 ha, trong đó, cây chuối già hương được trồng với tổng diện tích hơn 195 ha, năng suất bình quân là 50 tấn/năm, lợi nhuận bình quân hơn 150 triệu đồng/ha/năm, thị trường tiêu thụ trong nước khoảng 50%, còn lại 50% xuất khẩu sang thị trường các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển với 133 trang trại đầu tư nuôi gà giống, gà đẻ trứng, gà thịt với tổng đàn trên 7,6 triệu con, chiếm 68% tổng đàn; chăn nuôi heo thịt, heo giống chất lượng cao có 152 trang trại với tổng đàn gần 466 ngàn con, chiếm 73% tổng đàn; vịt thịt có 10 trang trại với tổng đàn 121 ngàn con; bò sữa có 1 trang trại với tổng đàn 800 con.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao được xem là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản. Mặt khác, nông nghiệp công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản. Xác định rõ tầm quan trọng của khoa học công nghệ đối với sự phát triển của nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã ban hành nhiều kế hoạch, đề án cơ cấu lại ngành trồng trọt theo hướng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật ưu Việt như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật,… vào sản xuất nhằm chuyển trọng tâm sản xuất từ mục tiêu sản lượng sang chất lượng và hiệu quả. Tỉnh đã triển khai nhiều chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thu hút nhiều doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, phát triển các vùng chuyên canh cây cao su, cây ăn quả đặc sản, rau an toàn, gắn với chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng các giống năng suất và chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh cho các đối tượng cây trồng chủ lực như: Cao su, hồ tiêu, chuối, dưa lưới, cây có múi, rau củ... Qua đó, thu nhập và đời sống của người dân nông thôn ngày càng tăng lên, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương, giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm 2021 đạt hơn 17.700 tỷ đồng, tăng 2% so năm 2020. Diện tích gieo trồng cây hằng năm đạt hơn 20.600 hecta, diện tích trồng cây lâu năm đạt hơn 142.000 hecta. Trong trồng trọt, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại ngành theo hướng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, Diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt khoảng 5.763,5 hecta với các loại cây trồng có giá trị như: Rau, nấm, cây ăn trái, hoa lan, cây cảnh. Diện tích nông nghiệp đô thị khoảng 172,2 ha với các loại cây trồng chủ yếu như: Rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh. Bình Dương hiện đã có 04 Khu nông nghiệp công nghệ cao gồm: Khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo); Khu nông nghiệp công nghệ cao tại phường Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên); Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo) và Khu nông nghiệp công nghệ cao Tiến Hùng (huyện Bắc Tân Uyên).
Hiện nay, Bình Dương đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; tận dụng tối đa cơ hội của từ cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời, các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp với quỹ đầu tư phát triển của tỉnh để thẩm định, giải quyết nhu cầu vốn cho nông dân của tỉnh. Song song đó, tỉnh cũng đã tập trung đưa ra các giải pháp tạo mô hình liên kết, tăng chuỗi liên kết cho sản xuất, đến nay đã hình thành được các hợp tác xã góp phần giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được nhiều doanh nghiệp, trang trại và hộ nông dân áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình kinh tế tập thể được quan tâm củng cố và phát triển; có nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả được mở rộng đầu tư, kinh doanh. Tỉnh tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường; tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nông sản chủ lực trên địa bàn, tạo ra bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đạt năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm.
Trần Hồng Phước