Nhân Ngày thế giới không hút thuốc lá 31-5 (19/06/2014)
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay, trên toàn thế giới có hơn 1,1 tỷ người hút thuốc lá thường xuyên, và mỗi năm có hơn 3,5 triệu người chết vì các căn bệnh do thuốc lá gây ra. Mỗi ngày, thuốc lá đã cướp đi sinh mạng của gần 10.000 con người. Trung bình, cứ mỗi phút có từ 6 đến 7 người chết vì thuốc lá.
Người không hút thuốc lá sống chung với người hút thuốc lá cũng bị tác hại sức khỏe giống như người nghiện.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy, trong khói thuốc lá có khoảng 4.700 hóa chất độc, trong đó có những chất vô cùng độc hại như: ni-cô-tin gây bệnh tim mạch; hắc in gây ung thư; ô-xít các-bon gây thiếu ô-xy và nhiều khí độc khác.
Hàm lượng các chất độc trong dòng khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy rất cao, cao gấp 30 lần so với dòng khói chính là dòng khói do người hút hít vào, cho nên, không chỉ người hút thuốc lá mà cả những người sống xung quanh cũng thường xuyên hít phải khói phụ gọi là "hút thuốc lá thụ động". Các nghiên cứu khoa học cho thấy, mức độ nguy hại của khói thuốc lá đối với người trực tiếp hút thuốc lá và những người hút thuốc thụ động là tương đương nhau. Trong khi ấy, số người hút thuốc lá thụ động bao giờ cũng nhiều hơn so với người trực tiếp hút thuốc.
Hàng năm, thuốc lá đã gây tử vong hơn nửa triệu phụ nữ ở các nước đã phát triển. Tổ chức Y tế thế giới ước tính ở các nước này, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới và phụ nữ tương tự nhau, vào khoảng 30%, và ở một số lớn các nước đã phát triển, trẻ em gái vị thành niên hút thuốc lá nhiều hơn trẻ em nam. Tại các nước đang phát triển, khoảng 50% nam giới và 5% phụ nữ hút thuốc lá.
Ở Mỹ và khối Liên hiệp Anh có nhiều phụ nữ hút thuốc lá. Người ta thấy thuốc lá gây các bệnh ở phụ nữ cũng giống các bệnh ở nam giới và tỷ lệ tử vong cũng gần bằng nhau, Hiện nay, 20 -25% số phụ nữ hút thuốc lá bị chết do thuốc lá. Một phần ba số tử vong này ở lứa tuổi dưới 65 tuổi. Theo Tổ chức Phẩu thuật của Mỹ, 40% bị tử vong do bệnh tim trong lứa tuổi này; 30% chết do ung thư các loại. Trong 20 năm qua, tỷ lệ tử vong ở phụ nữ do ung thư phổi đã tăng gấp đôi ở Nhật, Na Uy, Ba Lan, Thụy Điển và khối Liên hiệp Anh; đã tăng hơn 200% ở Ô-xtrây-li-a, Đan mạch, Niu Di-lân và tăng hơn 300% ở Canada và Mỹ.
Tại Mỹ, tỷ lệ tử vong do ung thư phổi của phụ nữ không hút thuốc lá không thay đổi trong vòng 20 năm qua, nhưng tỷ lệ ung thư phổi của phụ nữ hút thuốc lại cao hơn.
Ở Việt Nam, theo Điều tra y tế quốc gia năm 2002 do Bộ Y tế tiến hành, tỷ lệ hút thuốc lá ở nữ giới là 1,8% so với 56,1% ở nam giới. Riêng tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số hút thuốc lá là 16,4%. Trong cộng đồng dân tộc Ra Giai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa, có tới 55,1% số phụ nữ ở độ tuổi từ 15 đến 49 hút thuốc lá.
Người phụ nữ hút thuốc lá hay hít phải khói thuốc lá về lâu dài đều bị mắc phải những bệnh về tim mạch như bệnh mạch vành, huyết áp cao, xơ cứng mạch máu não, bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản mãn tính , hen phế quản, ung thư phổi.
Khói thuốc lá còn gây các rối loạn về kinh nguyệt: kỳ kinh đau bụng nhiều, chu kỳ không đều, thậm chí không có kinh một thời gian.
Một phụ nữ hút thuốc lá nhiều sẽ hết kinh sớm hơn so với phụ nữ không hút thuốc từ 2 đến 3 năm.
Trong thời kỳ sinh sản của phụ nữ, khói thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường sinh dục và giảm khả năng có con sau này. Một phụ nữ hút trên 20 điếu thuốc/ngày có nguy cơ vô sinh do tắc vòi trứng cao gấp ba lần so với phụ nữ bình thường không hút thuốc lá, đồng thời, nguy cơ thai ngoài tử cung cũng tăng cao hơn.
Phụ nữ đang mang thai mà hút thuốc lá thì tỷ lệ sẩy thai từ 1,2 lần đến 1,8 lần so với phụ nữ không hút thuốc lá.\
Phụ nữ có thai mà hút thuốc lá có nguy cơ sinh non, thai chết trong bụng, sinh con nhẹ cân và tử vong của trẻ cao hơn so với người phụ nữ không hút thuốc lá.
Người phụ nữ còn chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá do người khác hút. Vợ của những người nghiện thuốc lá nặng cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
Trẻ em ở mọi lứa tuổi hít phải khói thuốc lá của người khác có thể gặp các nguy cơ sau:
- Các bệnh về đường hô hấp như viêm đường hô hấp cấp tính, viêm tai mũi họng, phổi bị nhiễm trùng, ho vì viêm thanh quản và thở khò khè.
- Viêm tai giữa cấp và mãn tính.
- Phổi phát triển không bình thường và giảm chức năng của phổi.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim khi trưởng thành.
- Các bệnh đường ruột.
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư.
Cơ thể của trẻ em chưa phát triển hoàn thiện nên rất nhạy cảm với các chất độc của khói thuốc lá.
Thuốc lá - kẻ thù vô cùng nguy hiểm đối với phụ nữ và trẻ em. Điều tệ hại nhất là trẻ em đã trở thành nạn nhân của thuốc lá ngay khi còn trong bụng mẹ. Điều nguy hiểm hơn nữa là tác hại của những yếu tố di truyền không chỉ biểu hiện trực tiếp ở đứa bé mà có thể kéo dài đến các thế hệ đời con cháu chúng ta sau này.
Ngày nay, các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, Tổ chức Y tế thế giới ...đã và đang có những chương trình hành động chống thuốc lá trên toàn thế giới nhằm bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em.
Nguyễn Xuyến